Các bệnh thường gặp trong mùa hè:
Thời tiết nóng, ẩm như hiện nay là điều kiện thuận lợi để một số bệnh truyền nhiễm như Sởi, Tiêu chảy, Sốt xuất huyết, Tay - chân - miệng… phát triển và diễn biến phức tạp. Các bệnh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng sẽ dẫn đến những biến chứng phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đây chủ yếu là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa, lây lan do điều kiện vệ sinh môi trường kém, vệ sinh cá nhân chưa đảm bảo, chưa thực hiện cách ly người bệnh với người lành, đặc biệt là do chưa thực hiện tiêm phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Trẻ nhỏ, sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện thì việc lây bệnh càng dễ dàng hơn.
Tuy hầu hết các ca bệnh đều đã được điều trị khỏi, không để lại biến chứng nhưng trong thời tiết thường xuyên thay đổi, nắng nóng, mưa nhiều như hiện nay, các bệnh Cúm, Tiêu chảy, Tay chân miệng, bệnh Sởi rất dễ phát sinh, nếu không được phát hiện, cách ly điều trị sớm sẽ có thể lây lan và bùng phát thành dịch, vì vậy, mỗi người cần nắm rõ biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình mình.
Các biện pháp phòng, tránh:
* Thực hiện tốt vệ sinh môi trường:
- Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà, quanh làng bản; loại bỏ những vật dụng quanh nhà, trong vườn đọng nước mưa (như thùng chứa nước tưới, gáo dừa, mảnh vỡ chai lọ bát đĩa, ly, chén, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, mảnh ni-lông...); đậy kín chum, vại, bể chứa nước để muỗi không còn nơi đẻ; hàng tuần nhớ cọ rửa các đồ chứa nước để loại bỏ trứng muỗi, thả cá cờ để diệt bọ gậy.
- Sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát; không treo mắc quần áo để muỗi không còn chỗ đậu.
- Tránh để muỗi đốt: Xua muỗi, đốt hương trừ muỗi, xoa thuốc chống muỗi lên những phần da hở; cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay; không để trẻ chơi ở ngoài trời khi xẩm tối, không để trẻ ở trần hay chơi ở những xó xỉnh, tối tăm, ẩm thấp; cho trẻ ngủ màn kể cả những giấc ngủ ban ngày nhất là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
* Vệ sinh thân thể sạch sẽ:
- Tắm gội hằng ngày tránh để ngứa ngáy, khó chịu do bụi bặm, mồ hôi ứ đọng, nhất là trẻ em; thay quần áo mỗi khi bị mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi, nhất là những trẻ hiếu động để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm; cũng không để trẻ gãi hay “giết” rôm (sẩy) để tránh làm tổn thương da, nhiễm trùng da. Tránh cho trẻ nghịch đất, cát bẩn. Không đi nằm ngay sau khi tắm xong; không đột ngột ra - vào phòng điều hòa để tránh bị cảm lạnh.
- Ngoài việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần kiểm tra thường xuyên những vùng da kín, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện ngứa để phát hiện và điều trị sớm các bệnh ngoài da.
* Vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Thực hiện ăn chín uống sôi, ăn đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước. Vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè là cách tốt nhất để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, phòng ngừa các bệnh đường ruột.
- Ngoài ra cũng cần lưu ý: Khi đi ra ngoài nhớ đội nón, đội mũ rộng vành... để không bị say nắng. Không uống nhiều nước đá, không ăn những thức quá lạnh. Không để quạt điện xối thẳng vào người, nhất là trẻ nhỏ vì trẻ dễ bị cảm lạnh, càng không nên bật quạt, đi nằm sau khi vừa tắm xong.
* Cần đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng quy định của Bộ Y tế:
- Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh nhằm tạo miễn dịch chủ động. Rất nhiều bệnh phát sinh là do chưa được tiêm/uống vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là bệnh Sởi, Cúm, Tiêu chảy…, vì vậy các gia đình cần tích cực đưa con đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe cho con
Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, gây ra những bệnh như sốt vi rút, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, viêm da... Vì vậy, mỗi người dân cần tìm hiểu những thông tin về chăm sóc sức khỏe trong thời tiết nắng nóng để có biện pháp phòng bệnh kịp thời.
(Nguồn Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai)
Phạm Thị Nhung-KHTH