Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 702
  • Trong tuần: 6 752
  • Tất cả: 1383603
CHĂM SÓC THIẾT YẾU SỚM CHO TRẺ SAU SINH

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo thực hiện quy trình “Cái ôm đầu tiên” cho tất cả trẻ sơ sinh thở được bao gồm lau khô, da kề da, kẹp cắt rốn muộn và bú mẹ sớm và hoàn toàn dù sinh thường hay sinh mổ. Các chăm sóc thiết yếu này giúp phòng ngừa hạ thân nhiệt, hạ đường máu, nhiễm trùng sơ sinh, suy hô hấp, sang chấn tâm lý cho mẹ và trẻ đồng thời tăng tỉ lệ trẻ sơ sinh bú mẹ sớm và bú mẹ hoàn toàn.

Các chăm sóc thiết yếu cho trẻ sau sinh:

Tiếp xúc da kề da

Trẻ được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau sinh giúp tăng sự tương tác sớm giữa mẹ và con, trẻ sẽ không bị hạ thân nhiệt, tìm vú mẹ sớm hơn và bú mẹ khỏe hơn.

Người mẹ cũng giảm lo lắng và giảm stress hơn, theo nghiên cứu của Cochrane phân tích gộp 34 thử nghiệm lâm sàng trên 2177 cặp mẹ con về tiếp xúc da kề da cho thấy trẻ được làm da kề da với mẹ ngay sau sinh thì khóc ít hơn trẻ được chăm sóc bởi nhân viên y tế. Các bà mẹ dễ dàng cho con bú hơn trong thời gian đầu sau đẻ, thời gian bú lâu hơn và con gần gũi với mẹ hơn.

Kẹp và cắt dây rốn muộn

Nghiên cứu về sinh lý ở trẻ sơ sinh cho thấy, trong phút đầu tiên sau sinh lượng máu truyền từ bánh rau sang trẻ sơ sinh khoảng 80ml và có thể lên tới 100ml trong 3 phút sau sinh. Lượng máu thêm này có thể cung cấp một lượng sắt tương ứng 40-50mg/kg cân nặng của trẻ, cùng với lượng sắt của cơ thể khoảng 75mg/kg cân nặng) có thể giúp trẻ đủ tháng ngăn ngừa được thiếu máu thiếu sắt trong năm đầu. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng nếu kẹp rốn đúng thời điểm, một lượng máu sẽ từ bánh rau qua dây rốn đến đứa trẻ giúp cho trẻ đủ tháng không bị thiếu máu do thiếu sắt trong những tháng đầu, và đặc biệt ở trẻ non tháng không bị thiếu máu cũng như giảm tỷ lệ xuất huyết não do giảm prothrombin.

Xuất phát từ các bằng chứng lâm sàng của các nghiên cứu về kẹp cắt dây rốn muộn, năm 2012, WHO đã khuyến cáo nên kẹp cắt dây rốn muộn (khi dây rốn ngừng đập hoặc 1-3 phút sau sổ thai) cho tất cả các trường hợp đẻ thường để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu của trẻ. Chỉ kẹp cắt dây rốn sớm (trước 01 phút) đối với các trường hợp trẻ ngạt cần phải hồi sức tích cực. 

anh tin bai

Tiêm Vitamin k1

Tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh đã trở thành khuyến cáo bắt buộc ở mọi trẻ, ngay sau khi chào đời. Chỉ với 1 mũi tiêm trẻ sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ xuất huyết, rối loạn đông máu do thiếu hụt vitamin K cho đến tận 6 tháng tuổi. Liều lượng tiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế: Trẻ trên 1500gr tiêm 1mg, trẻ dưới 1500gr tiêm 0.5 mg. Tại bệnh viện thuốc được sử dụng là Vinphyton 1mg an toàn và hiệu quả cao.

Cho trẻ bú sớm

Cho trẻ bú sớm và bú sữa mẹ hoàn toàn trong giờ đầu sau đẻ, không cho trẻ ăn thêm bất cứ một loại thực phẩm nào khác. Theo khuyến cáo của WHO, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú mẹ đồng thời bổ sung thêm các thực phẩm thích hợp khác cho đến 2 tuổi hoặc lâu hơn tùy trường hợp. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn làm tăng cường miễn dịch cho trẻ, có thể ngăn ngừa tử vong do tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trong 3 tháng đầu. Cho trẻ bú sớm còn làm kích thích tuyến yên tăng tiết oxytocin giúp tử cung co tốt hơn để phòng ngừa chảy máu sau đẻ.

anh tin bai

Sản phụ được hướng dẫn cho con bú mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh

 

Theo dõi đánh giá tình trạng trẻ sau sinh

Ngay sau sinh và cả quá trình nằm viện theo dõi cùng mẹ trẻ được thăm khám, đánh giá tình trạng sức khoẻ hàng ngày về hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá phát hiện kịp thời các dị tật, các vấn đề bất thường: vàng da, viêm da... để có biện pháp theo dõi can thiệp kịp thời.

Từ những bằng chứng lâm sàng trên WHO khuyến cáo thực hiện chăm sóc thiết yếu ngay sau sinh cho trẻ nhằm giảm thiểu tử vong mẹ và sơ sinh, tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và giảm tỷ lệ bệnh tật ở trẻ nhỏ. Tại Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai việc chăm sóc thiết yếu sơ sinh luôn được chú trọng, xây dựng quy trình thực hiện chuyên nghiệp và khoa học. Với sứ mệnh mang đến cho các con những khởi đầu thuận lợi phát triển thể chất và tinh thần trong tương lai.

Tài liệu tham khảo: Quy trình chuyên môn chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (Ban hành kèm theo Quyết định số: 4673/QĐ-BYT ngày 10/11/2014 của Bộ Y tế)

 

Bs. Trần Thị Thu Trang-ĐTSS