Viêm ruột hoại tử là một bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến cấu trúc lẫn chức năng đường ruột của trẻ sơ sinh, đặc biệt là sơ sinh non. Bệnh thường xảy ra trong vòng 2 tuần đầu đời ở những trẻ có tình trạng bệnh lý hoặc được nuôi bằng sữa công thức thay cho sữa mẹ.
Ảnh minh hoạ: Internet.
Nguyên nhân gây ra viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
Cho đến nay, nguyên nhân thực sự gây ra viêm ruột hoại tử trẻ sơ sinh vẫn chưa được hiểu biết rõ. Có giả thiết cho rằng viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra nếu hệ thống tiêu hóa dưới không được cung cấp đủ máu và oxy. Theo đó, vi khuẩn từ môi trường bên trong khoang ruột sẽ tăng sinh gây bệnh, làm tổn thương niêm mạc ruột. Lúc này, các tế bào sẽ bị thoái hóa và hoại tử, thành ruột bị thủng và sự nhiễm khuẩn sẽ lan tràn vào trong ổ bụng.
Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh thường mắc phải ở những trẻ sinh non hơn là trẻ sinh đủ tháng. Đây là những trẻ có cấu trúc phổi và ruột chưa hoàn thiện, chức năng còn yếu và kém trưởng thành hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Chính điều đó có thể làm cho cơ thể trẻ không thể cung cấp đủ máu và oxy đến tận cùng từng tế bào ruột.
Những yếu tố nguy cơ khiến cho trẻ sơ sinh mắc viêm ruột hoại tử.
Trẻ sơ sinh có thể bị viêm ruột hoại tử nếu có một số yếu tố nguy cơ sau:
- Đẻ non : hơn 90% trẻ bị bệnh là trẻ đẻ non, thường gặp với tuổi thai dưới 32 tuần. Do sự chưa trưởng thành của đường tiêu hóa (chức năng “hàng rào ruột” còn non yếu, dịch tiết đường ruột ít, nhu động ruột kém…)
- Chế độ ăn chưa hợp lý: việc sử dụng các loại sữa công thức hoặc thuốc có độ thẩm thấu cao, tăng quá nhanh số lượng sữa qua đường miệng (>20 - 24 ml/ kg/ ngày). Trong hoàn cảnh này sữa mẹ lại là yếu tố phòng bệnh hữu hiệu.
- Nhiễm khuẩn : Các bệnh lý nhiễm khuẩn hoặc sự phát triển bất thường của các vi khuẩn đường ruột là yếu tố thúc đẩy tình trạng bệnh. Nhiều loại vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy, đặc biệt là Clostridium.
- Thiếu oxy - thiếu máu : một số tình trạng lâm sàng (suy thai cấp, ngừng thở - nhịp tim chậm tái diễn, rối loạn huyết động học, còn ống động mạch, suy dinh dưỡng bào thai, phẫu thuật tim có nguy cơ gây thiếu máu cục bộ đường tiêu hóa và dẫn tới viêm ruột.
Các triệu chứng của viêm ruột hoại tử trẻ sơ sinh:
Các triệu chứng của viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh có thể rất khác nhau ở mỗi trẻ. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ có các dấu hiệu sau đây và sẽ thường diễn tiến nhanh trong hai tuần tuổi đầu đời:
- Khó chịu, bứt rứt
- Bú kém hoặc bỏ bú
- Nôn ói ra dịch xanh từ dạ dày hoặc nôn ra máu
- Bụng chướng hoặc đầy hơi
- Nhu động ruột giảm hay mất hẳn
- Thức ăn ứ trệ trong dạ dày
- Bệnh diễn biến nặng có thể kém các dấu hiệu toàn thân: Sốt, nhịp tim nhanh, khó thở, kích thích quấy khóc thậm chí li bì.
Chẩn đoán viêm ruột hoại tử trẻ sơ sinh:
Chẩn đoán viêm ruột hoại tử cần dựa trên thăm khám lâm sàng kết hợp với các thăm dò cận lâm sàng: Chụp X-quang, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân. Khi chụp X-quang ổ bụng, viêm ruột hoại tử sẽ cho thấy hình ảnh của những bọt khí li ti len lỏi trong thành ruột. Siêu âm bụng thấy các quai ruột chướng hơn và nhu động giảm, một số trường hợp thấy hơi trong tĩnh mạch cửa. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu cũng cho thấy các dấu hiệu của sự nhiễm trùng.
Các biện pháp điều trị viêm ruột hoại tử trẻ sơ sinh
Việc điều trị viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ viêm ruột, một vài biện pháp thường áp dụng trong điều trị viêm ruột hoại tử như sau:
- Ngừng cho ăn qua đường miệng để đường ruột giảm bài tiết và nghỉ ngơi, có thời gian để hồi phục.
- Đặt ống thông dạ dày để dẫn lưu dịch tiết dạ dày ra ngoài, giải phóng gánh nặng áp lực trong ổ bụng.
- Truyền dịch để đảm bảo năng lượng và cung cấp đầy đủ nước, điện giải.
- Chỉ định kháng sinh để chống nhiễm trùng.
- Chụp X-quang thường xuyên để theo dõi tình trạng chướng hơi, chậm tiêu.
- Cung cấp thêm oxy hoặc máy thở nếu bụng quá chướng và đe dọa hô hấp.
- Điều trị các bệnh lý đi kèm.
Phòng bệnh viêm ruột hoại tử:
- Khám thai định kỳ và chăm sóc tốt sức khỏe của mẹ trong thai kỳ, đảm bảo trẻ phát triển theo đúng tuổi thai.
- Kiểm soát nhiễm khuẩn của mẹ trong thai kỳ, trong và sau cuộc sinh.
- Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ngay sau sinh.
- Chủ động chăm sóc và phòng các tình trạng bệnh lý khác cho trẻ.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai các sản phụ trước sinh đều được làm bộ xét nghiệm sàng lọc, đánh giá tình trạng nhiễm trùng. Sau sinh trẻ được thực hiện da kề da và cho con bú sớm trong 1 giờ đầu sau sinh, khuyến khích nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. trẻ sơ sinh cũng được theo dõi và thăm khám hằng ngày để phát hiện sớm các dẫu hiệu bất thường.
Trong quá trình chăm sóc con, nếu thấy con có các dấu hiệu kể trên gia đình cần nhanh chóng đưa con tới các cơ sở y tế gần nhất. Bác sỹ sẽ thăm khám và chỉ định các cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán sớm và chính xác tình trạng bệnh. Việc phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả, tiên lượng bệnh. Liên hệ Hotline: 0868966028 hoặc nhắn tin qua Fanpage: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai để được hỗ trợ kịp thời.