Men tiêu hóa rất dễ nhầm với men vi sinh vậy men tiêu hóa là gì và vai trò của men tiêu hóa như thế nào?
1. Men tiêu hóa là gì?
Men tiêu hóa hay gọi là các enzym, bản chất là các protein. Đây là những chất xúc tác cho quá trình phân giải thức ăn. Dưới tác động của các men tiêu hóa, thức ăn được cắt nhỏ các liên kết trong thức ăn trở thành các dạng nhũ tương giúp cho lớp niêm mạc ruột có thể hấp thụ một cách dễ dàng vào máu, nuôi dưỡng cơ thể. Hầu hết các loại thực phẩm chúng ta ăn bao gồm protein, lipid, carbonhydrat... đều không thể tự hấp thu vào máu, vì vậy mà chúng ta cần tác động của các enzym hoạt tính giúp chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng mà cơ thể có thể hấp thu được.
Các loại men tiêu hóa: Men tiêu hóa được tiết từ các cơ quan trong bộ phận tiêu hóa của cơ thể như: tuyến nước bọt, dạ dày, tụy, gan. Mỗi loại men tiêu hóa lại có những chức năng khác nhau.
ü Men alpha amylase được tuyến nước bọt và tụy tiết ra giúp phân giải tinh bột đã nấu chín thành đường cho cơ thể hấp thu.
ü Men tiêu hóa protein như: trypsin, chymotrypsin, men pepsin giúp phân giải protein từ thịt, cá, trứng, sữa... cung cấp vào cơ thể.
ü Tiêu hóa mỡ do men lipase và muối mật do gan sản xuất. Nếu thiếu các men này cơ thể sẽ sợ ăn mỡ, đi ngoài có váng mỡ, đầy bụng chậm tiêu...
ü Một số loại men tiêu hóa các chất cellulose (chất xơ) như cellulose, hemixenluloza, phytase, beta- glucanase...
Khi cơ thể bị thiếu một loại men nào đó sẽ dẫn tới tình trạng một số loại thực phẩm cơ thể không thể hấp thu được dẫn tới thiếu chất và gây tình trạng đầy bụng khó tiêu... Vì vậy khi cơ thể gặp phải một vấn đề gì đó dẫn tới thiếu men tiêu hóa thì cần một số loại men tiêu hóa ngoại sinh từ bên ngoài đưa vào.
2. Vai trò của men tiêu hóa
Một số chức năng của men tiêu hóa được biết đến bao gồm:
- Cải thiện rối loạn của đường ruột: Men tiêu hóa đã giúp cơ thể phân giải thức ăn và từ đó giúp cơ thể tiêu thụ các chất dinh dưỡng trong thực phẩm tại ruột thuận lợi hơn. Nếu không có men tiêu hóa, những thức ăn không được chuyển hóa, cơ thể không thể hấp thu được sẽ gây nên hiện tượng suy dinh dưỡng ở người có tuổi với các biểu hiện thường thấy là chán ăn, ăn không ngon, không tiêu; ngoài ra thức ăn không tiêu sẽ làm chúng ta cảm thấy đầy bụng, chậm tiêu, đi ngoài phân sống. Nhờ vào tác dụng của những loại men tiêu hóa này, những triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa giảm đi, đặc biệt ở những rối loạn ở người già.
- Duy trì việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể: Ở người già chức năng cơ quan suy giảm, nên việc sản sinh men tiêu hóa cũng giảm đi. Việc bổ sung men tiêu hóa đúng cách giúp những người cao tuổi có thể duy trì được khả năng tiêu hóa, giúp tiêu hóa tốt hơn, tăng hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin K, D, Omega-3...
- Hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh nhân ung thư: Men tiêu hóa đã được chứng minh là giảm phần nào các triệu chứng của bệnh cũng như phản ứng bất lợi đến từ quá trình xạ trị ở những bệnh nhân ung thư đại trực tràng, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Men tiêu hóa với vai trò điều trị biếng ăn ở trẻ em:
ü Biếng ăn, ăn đủ nhưng không tăng cân.
ü Phân: ỉa mỡ, mùi thối khác thường, ỉa nhiều lần trong ngày, phân lỏng, phân táo.
ü Bổ sung Enzyme tiêu hóa phối hợp với lợi khuẩn hiệu quả rất tốt trong điều trị biếng ăn ở trẻ em.
3. Một số chú ý khi sử dụng men tiêu hóa
- Chỉ bổ sung men tiêu hóa khi bệnh nhân có tình trạng thiếu hụt men tiêu hóa vì việc bổ sung thừa hay không đúng cách gây ảnh hưởng tới cơ thể, nhất là đối với trẻ nhỏ. Nếu trẻ có tình trạng kém ăn, ăn không tiêu cần tìm nguyên nhân chứ không nên bổ sung men tiêu hóa ngay.
- Nhiệm vụ chính của men tiêu hóa chính là phân giải thức ăn do đó khi sử dụng thì không nên nhịn ăn hay bỏ bữa hoặc ăn kiêng quá mức vì có thể dẫn tới viêm dạ dày, loét dạ dày.
- Nên dùng men tiêu hóa trong khi ăn hoặc ngay sau ăn, không nên dùng khi đói và xa bữa ăn.
- Thời gian sử dụng không nên kéo dài quá 3 tuần.
- Khi sử dụng có thể gây một số những tác dụng phụ của men tiêu hóa như: có thể gây dị ứng gây ngứa và phát ban trên da, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa như buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy.
- Tránh bổ sung sai cách ở một số người mắc bệnh nội khoa như: không dùng men tiêu hóa có chứa amylase cho người mắc bệnh tiểu đường vì sẽ nhanh chóng chuyển hóa tinh bột thành lượng glucose làm tăng đường huyết nhanh chóng.
Việc sử dụng men tiêu hóa như thế nào cần được sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn để biết đúng loại men tiêu hóa cần thiết. Hiện nay, phòng khám Dinh dưỡng – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai với đội ngũ bác sỹ chuyên khoa đã thăm khám và tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho nhiều trẻ nhỏ. Khi gặp các vấn đề về sức khỏe như tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài, thường xuyên đầy bụng, chậm tiêu nên tới cơ sở y tế khám để được tư vấn, không nên tự ý mua men tiêu hóa dùng kéo dài.
BS Nguyễn Thị Thêu - Khoa Dinh Dưỡng