Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 595
  • Trong tuần: 8 934
  • Tất cả: 1566840
Viêm tuỵ cấp ở trẻ em

Ngày 30/8/2024, khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai tiếp nhận bệnh nhi vào viện với triệu chứng: nôn nhiều, đau bụng thượng vị, sốt. Sau khi các bác sỹ khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp thể dễ hoại tử. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được hội chẩn với các chuyên gia Bệnh viện Nhi TW thống nhất chẩn đoán và đã được chuyển tuyến điều trị tiếp. Vậy viêm tụy cấp ở trẻ em nguy hiểm như thê nào?

Viêm tuỵ (Acure pancreatitis) là tình trạng viêm dẫn đến sự tiêu hủy tuỵ do sự gia tăng các enzyme tuỵ lan đến các cơ quan xung quanh tụy hoặc cơ quan xa. Viêm tụy cấp là tình trạng viêm của tụy, thường là tự giới hạn với các biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng thượng vị và tăng các enzym amylase và lipase huyết thanh.

anh tin bai

Nguyên nhân gây viêm tụy cấp:

- Viêm tụy cấp do nguyên nhân nhiễm trùng: Virus (quai bị, Enterovirus, Epstein barr virus, virus viêm gan A, viêm gan B, CMV, Rubella, thủy đậu, influenza, HIV…); Ký sinh trùng (giun đũa, sán lá gan nhỏ); Vi khuẩn (E. coli, thương hàn).

- Viêm tụy cấp do bệnh lý đường mật, tụy: Sỏi mật, bùn mật, viêm xơ hóa đường mật, u nang ống mật chủ, giãn đường mật, loạn sản, thiểu sản tụy, tụy đôi, tụy nhẫn… Bất thường chức năng đường mật tụy, nang giả tụy.

- Viêm tụy cấp do thuốc: Thuốc chống động kinh, thuốc kháng sinh.

- Viêm tụy cấp do chấn thương: Viêm tụy sau phẫu thuật mở ổ bụng vùng mật tụy, nội soi và các thủ thuật xâm nhập, bỏng.

- Viêm tụy cấp do các bệnh chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa lipid; Rối loạn dự trữ glycose; Cường tuyến cận giáp…

- Viêm tụy cấp do các bệnh hệ thống: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm nút quanh động mạch, kawasaki.

- Viêm tụy cấp do nguyên nhân di truyền; Viêm tụy tự miễn; Viêm tụy cấp không rõ nguyên nhân (Chiếm 25% các trường hợp viêm tụy cấp).

Chẩn đoán viêm tuỵ cấp ở trẻ em:

- Triệu chứng lâm sàng:

+ Đau bụng dữ dội, đột ngột thượng vị có thể lan ra sau lưng, đau quanh rốn hoặc hạ sườn phải xuất hiện sau bữa ăn nhiều mỡ, đạm. Đau bụng kéo dài kèm theo chướng và u bụng cần lưu ý nang giả tụy;

+ Nôn thường xảy ra sau đau, có thể nôn nhiều; nôn dịch mật hoặc máu trong trường hợp nặng. Bụng chướng nhẹ, nhưng mềm.

+ Có thể kèm theo vàng da do viêm, bí trung đại tiện và tiêu chảy.

+ Các triệu chứng toàn thân: mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, hoảng hốt lo sợ hoặc mê sảng, sốt cao hoặc các biểu hiện nhiễm trùng khi có hoại tử tụy, tràn dịch màng phổi, khó thở, suy hô hấp, suy thận…

- Triệu chứng cận lâm sàng: Nồng độ amylase huyết thanh tăng gấp 3 lần giá trị trên của bình thường; Nồng độ amylase niệu tăng cao gấp 5 lần bình thường; Định lượng lipase máu; Siêu âm bụng (tụy tăng kích thước, phù nề tụy, giảm mật độ siêu âm hoặc có dịch, nang, hoại tử hoặc xuất huyết trong tụy); CT scanner ổ bụng (chẩn đoán xác định viêm tuỵ, chẩn đoán thể viêm tụy cấp và các biến chứng);  MRI mật tụy; Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi.

          - Các xét nghiệm khác:  Công thức máu, CRP tăng khi có biến chứng nhiễm khuẩn. Sinh hoá máu (ure, creatinin tăng, Albumin máu, Calci máu giảm, LDH máu tăng, Có thể có tăng glucose máu. Trường hợp nặng như viêm tụy hoại tử có thể có rối loạn đông máu).

Viêm tụy cấp:

+ Viêm cấp tính của tụy.

+ Viêm tụy cấp thể nhẹ: suy chức năng của một cơ quan và có đáp ứng tốt với điều trị hồi phục nước và điện giải ban đầu.

+ Viêm tụy cấp thể nặng: suy tuần hoàn: huyết áp tâm thu giảm < 90 mmHg; suy hô hấp; xuất huyết tiêu hóa trên và/hoặc có biến chứng tại chỗ như hoại tử, áp xe hoặc nang giả tụy.

 Điều trị viêm tụy cấp:

- Nguyên tắc điều trị: Cho tụy nghỉ ngơi, giảm bài tiết để ngăn cản quá trình tự tiêu của tuyến tụy; Theo dõi, phát hiện và điều trị biến chứng. Điều trị nguyên nhân.

- Điều trị cụ thể :

+ Cho tụy nghỉ ngơi, giảm bài tiết: Cho trẻ nằm nghỉ ngơi tại giường, nhịn ăn hoàn toàn và nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.

+ Đặt sonde hút dịch dạ dày nếu bụng chướng.

+ Sử dụng thuốc kháng acid để ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng do stress.

+ Somatostatin truyền tĩnh mạch chậm.

- Theo dõi, phát hiện và điều trị các biến chứng:

+ Theo dõi phát hiện các biến chứng dựa theo bảng điểm đáng giá độ nặng của viêm tụy cấp của trẻ em của De Banto

+ Phát hiện các biến chứng: suy hô hấp, suy thận, sốc.

+ Điều chỉnh rối loạn nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan.

+ Giảm đau nếu trẻ đau nhiều

+ Siêu âm định kỳ để phát hiện các biến chứng viêm tụy hoại tử, xuất huyết, nang giả tuy hoặc áp xe.

- Điều trị nguyên nhân: Hội chẩn ngoại khoa và chỉ định điều trị ngoại khoa trong các trường hợp:

+ Viêm tụy hoại tử xuất huyết.

+ Sỏi mật, giãn đường mật, u nang ống mật chủ.

+ Bất thường cấu trúc mật tụy.

+ Biến chứng của viêm tụy cấp: viêm tụy hoại tử, viêm phúc mạc do hoại tử tụy, viêm tụy xuất huyết, nang giả tụy.

+ Viêm tuỵ kéo dài không đáp ứng với điều trị nội khoa

Viêm tuỵ nếu không phát hiện và điều trị kịp thời đúng cách có thể tiến triển và gây ra các biến chứng nặng nề như: Viêm tụy hoại tử, viêm phúc mạc do hoại tử tụy, viêm tụy xuất huyết, nang giả tụy, viêm tuỵ kéo dài không đáp ứng với điều trị nội khoa. Vì vậy nếu trẻ có các biểu hiện trên hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

ThS. Vũ Thị Hải Yến – K. Hồi sức cấp cứu.
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !