Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 106
  • Hôm nay: 1392
  • Trong tuần: 12 701
  • Tất cả: 1617315
Hành trình cùng các bệnh nhân nhí chiến thắng COVID-19

Đã gắn bó với nghề y được hơn chục năm, nhưng với tôi những ngày của cuộc chiến chống dịch COVID-19 là giai đoạn khó khăn, vất vả nhất, nhưng cũng mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm, bài học quý giá và cả những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời.

Những F0 đặc biệt

1 giờ 00 sáng, giữa cái lạnh run rẩy của của đông Tây Bắc, chúng tôi được giao nhiệm vụ đón các bệnh nhân F0 vào điều trị tại cơ sở 2 của Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Lào Cai. Ngoài những F0 là người lớn thì đây là những bệnh nhân đặc biệt, bởi đứng trước mắt trước mắt tôi là các cháu học sinh đến từ các huyện, các trường khác nhau của tỉnh, từ lớp 2 đến lớp 5, chỉ bằng độ tuổi của con tôi. Trong ánh điện le lói ở sân nhưng tôi cảm nhận được sự hoang mang, lo lắng qua ánh mắt bỡ ngỡ pha chút mệt mỏi của các con.

Trước khi điều trị bệnh nhân F0 tại Lào Cai, tôi đã tham gia đoàn công tác cùng các bác sĩ hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Bình Dương, đúng vào giai đoạn số trường hợp F0 tăng cao nhất tại khu vực này. Thế nên tôi đã có kinh nghiệm cả về chuyên môn và tâm lý để đồng hành và điều trị thật tốt cho các bệnh nhân F0 nhí tại quê hương Lào Cai. Bằng sự bình tĩnh với giọng ân cần nhất, tôi dẫn các cháu về phòng bệnh và hướng dẫn tỉ mỉ mọi thứ ở môi trường bệnh viện.

Hàng ngày, công việc chăm sóc các F0 nhí cũng vô cùng đặc biệt. Mỗi sáng, tôi đều vào từng buồng bệnh, hỏi thăm từng bệnh nhân xem sức khỏe thế nào, có sự thay đổi gì trong cơ thể không. Từ các biểu hiện và tình trạng của mỗi em mà chúng tôi đưa ra liệu trình phù hợp, dùng thuốc đúng phác đồ, phát đúng loại thuốc, hướng dẫn các con uống đúng thời điểm.

Cùng với đó, tôi cũng tư vấn và trả lời “hàng vạn câu hỏi vì sao” của các bệnh nhân nhí. Bởi đây có lẽ lần đầu các con gặp phải các triệu chứng như cúm, sổ mũi, đau đầu, ho, sốt, rát cổ, cơ thể mỏi mệt, mỏi chân tay. Một số người còn bị mất vị giác, khứu giác nên vô cùng lo lắng. Trong mỗi câu trả lời, tôi cố gắng động viên và tạo sự an tâm cho các con.

Hiểu được mức độ nguy hiểm, khó đoán của dịch COVID-19 nên tôi cũng thường xuyên được cập nhật các phương pháp điều trị mới từ bệnh viện và các kênh thông tin chuyên môn uy tín. Đồng thời luôn quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe của từng bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nhí mà tôi trực tiếp phụ trách.

Đã làm mẹ nên tôi hiểu cảm giác lo lắng của các bậc phụ huynh khi con mình F0. Tôi càng thấu hiểu sự hoang mang, sợ hãi của các cháu khi phải đi xa nhà, xa mẹ cha, xa người thân để chữa bệnh. Lần đầu phải đi xa, lại ở bệnh viện thế nên các cháu không chỉ có sự bất an mà còn cả nỗi nhớ nhà và câu hỏi thường trực mà tôi nhận được là “Cô ơi, ở đây bao giờ con được về?”. Tôi hiểu rằng, trong lúc này ngoài phác đồ y tế phù hợp thì các bệnh nhân, đặc biệt là các cháu nhỏ cần những liều thuốc tinh thần nữa.

Mặc dù chính bản thân các NVYT như chúng tôi đều rất mệt, một ngày chỉ ngủ được khoảng 4 tiếng đồng hồ, làm việc áp lực lại phải xa chồng, xa con, khẩu trang luôn thường trực. Thế nhưng trước các bệnh nhân, chúng tôi không bao giờ tỏ ra uể oải hay ca thán. Trái lại, bản thân chúng tôi luôn muốn truyền nguồn năng lượng tích cực tới họ, đặc biệt là các bệnh nhân nhỏ tuổi. Với nhiều cháu nhỏ, chúng tôi không chỉ động viên mà nhiều lúc còn phải nịnh nữa.

Trong giai đoạn các F0 nhí cách ly và chữa bệnh trong viện, chúng tôi đồng thời phải đảm nhận nhiều vai, vừa là bác sĩ nhưng cũng như nhưng người bạn, người thân của các con, hỏi han trò chuyện với các con để các con không cảm thấy cô đơn, lo lắng. Mỗi cháu là một cá tính khác nhau, có những cháu không nói ra, luôn giấu cảm xúc trong lòng. Chẳng hạn như trường hợp của bé L.T.T.M, dân tộc Giáy, trường Trường tiểu học Cốc San ngày mới vào viện thường ít nói, đôi lúc nhớ nhà tới mức khóc một mình trong chăn, nhưng khi gặp mọi người lại lau khô nước mắt coi như không có gì. Thấy mắt L.T.T.M đỏ, tôi chủ động hỏi han, truyện trò với con. Vài ngày sau, cháu trở nên vui vẻ và hoạt bát hơn rất nhiều. Tinh thần phấn chấn nên việc điều trị cũng thuận lợi hơn.

 

Tinh thần lạc quan của các F0 nhí trong khu điều trị

Từ hoang mang, lo lắng, các bệnh nhân nhí sau vài ngày vào viện đã trở nên vui vẻ, cởi mở và hòa đồng. Các phòng bệnh đã không còn lạnh lẽo mà trở nên ấm áp như một ngôi nhà chung thật sự cho cả các bác sĩ và bệnh nhân. Cảm giác mệt mỏi của bệnh tật nhờ đó cũng vơi đi khi bệnh nhân biết, họ không cô độc trong hành trình chiến thắng COVID-19.

Chính nhờ phác đồ điều trị hợp lý, tinh thần làm việc nghiêm túc và tận tâm của các y bác sĩ và cả sự nỗ lực của chính các bệnh nhân nên tất cả các trường hợp F0 được chúng tôi tiếp nhận đều có tiến triển tốt, đã khỏi bệnh và được về nhà.

 

Niềm vui của nhân viên y tế và bệnh nhân khi được ra viện

Giây phút chia tay các con trở về đoàn tụ với gia đình là khoảnh khắc xúc động, hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm nghề của tôi. Dẫu biết rằng sẽ rất nhớ các con, bởi đã cùng gắn bó, sẻ chia bao kỷ niệm cùng với các con trong thời gian  cách ly. Thế nhưng, nhìn thấy các con khỏe mạnh, nở những nụ cười rạng rỡ bên người thân như tiếp cho tôi niềm tin, nguồn năng lượng tích cực và sức mạnh lớn lao để tôi tiếp tục đồng hành cùng các bệnh nhân khác, để cùng cả nước đánh thắng “giặc” Covid-19, mang đến mùa xuân rực rỡ và an bình cho mọi người, giúp đất nước ổn định và ngày càng hưng thịnh.

ĐD. Nguyễn Thị Mơ – Khoa Truyền nhiễm

Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !