Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 454
  • Trong tuần: 8 793
  • Tất cả: 1566699
DỊ VẬT MŨI – NGUY HIỂM TIỀM ẨN VỚI TRẺ NHỎ

Dị vật mũi là bệnh thường gặp trong cấp cứu Tai Mũi Họng, đặc biệt hay gặp ở trẻ em. Trẻ khi chơi thường nghịch ngợm nhét những vật dụng, thực phẩm vào mũi như: mảnh xốp, giấy, nút áo, hạt vòng, hạt đỗ,... mà không để ý quên đi gây ra dị vật ở mũi. Do đó, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như khó thở, chảy nước mũi nhiều và đặc biệt là chảy máu, cha mẹ hãy kiểm tra xem trong mũi trẻ có biểu hiện bất thường không? Nếu phát hiện trẻ mắc dị vật trong mũi, cần đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, can thiệp lấy dị vật ra ngoài càng sớm càng tốt. Nếu để muộn, việc lấy dị vật sẽ khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

 

Ngoài ra, cha mẹ nên dạy trẻ nhận thức được việc nhét đồ vật vào mũi là việc làm nguy hiểm. Đặc biệt, cần phải quan sát các hoạt động sinh hoạt, vui chơi của trẻ, không cho trẻ nhỏ tiếp cận với các loại đồ chơi có Pin điện tử vì tính chất ăn mòn hóa học của Pin rất nguy hiểm.

  
anh tin bai

Nguồn hình ảnh Internet

Mắc dị vật trong mũi có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ phần lớn các trường hợp dị vật trong mũi và khoang mũi không nghiêm trọng và có thể trì hoãn việc lấy dị vật. Tuy nhiên, một số dị vật mắc lại trong mũi có khả năng di chuyển xuống họng – hạ họng dẫn đến nguy cơ bị nuốt phải vào đường tiêu hóa hoặc bị hít vào đường thở gây dị vật đường thở.

Dị vật trong mũi để lâu ngày sẽ gây ra viêm loét mũi, viêm mũi xoang.  Với những dị vật có chứa hóa chất, như pin điện tử cần lấy ngay trong vòng 4 giờ. Nếu để lâu, sẽ gây loét niêm mạc, chảy máu, thủng vách ngăn mũi, gây sẹo co kéo, ảnh hưởng chức năng hô hấp.

Làm thế nào để phát hiện dị vật mũi?

Trường hợp điển hình là dị vật trong mũi gây ra đau hoặc tắc nghẹt mũi bên có dị vật. Chảy máu mũi cũng là triệu chứng của dị vật mũi vì niêm mạc mũi có thể bị trầy xước do dị vật có cạnh sắc gây tổn thương niêm mạc. Chảy máu mũi có thể chảy ra ngoài cửa mũi trước hoặc chảy ra cửa mũi sau dẫn đến ho khạc ra máu.

Khoang mũi thông với phía sau với vùng hầu họng, vì vậy rất có khả năng dị vật sẽ đẩy xuống họng. Có những trường hợp dị vật bị nuốt xuống đường tiêu hóa hoặc bị hít vào đường thở gây tắc nghẽn dẫn đến khó thở, nếu không xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Triệu chứng ngạt mũi 1 bên, thở rít, khó thở hoặc không nói được là những dấu hiệu chỉ điểm đánh giá tình trạng mũi, họng và phổi để tránh bỏ sót dị vật.

Tình trạng nhiễm khuẩn của dị vật trong mũi thường là do dị vật để lâu ngày, cản trở lưu thông dịch, phân hủy, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Những dị vật như miếng xốp, mẩu giấy ăn,…. bị sót lại hoặc để quên là nguyên nhân thường gặp. Hơi thở hôi cũng là dấu hiệu của tình trạng có dị vật ở mũi trong một thời gian dài. Có thể phát hiện được dị vật do dị vật phân hủy gây ra tình trạng hơi thở hôi hay mùi hôi từ mũi do dịch mũi phủ trên bề mặt dị vật tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển gây mùi hôi.

Khi phát hiện có dị vật mũi, cần xử trí thế nào?

Nếu phát hiện trẻ có dị vật mũi, người lớn nên có cách tiếp cận với trẻ nhẹ nhàng, không nên quát mắng trẻ, có thể bịt bên mũi không có dị vật rồi hướng dẫn trẻ xì mũi mạnh, nếu dị vật nhỏ, nông có thể đẩy ra ngoài được. Đa phần các loại dị vật có thể quan sát được trong điều kiện môi trường đầy đủ ánh sáng với các dụng cụ chuyên dụng. Nếu dị vật ở sâu bên trong mũi hoặc có biến chứng nhiễm khuẩn tại chỗ, bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ thăm khám qua máy nội soi hoặc chụp cắt lớp vi tính hệ thống mũi xoang.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ mắc dị vật trong mũi, không nên bịt bông vào cửa mũi vì có thể làm dị vật di chuyển vào trong sâu hơn. Biện pháp an toàn nhất là hãy đưa trẻ tới chuyên khoa Tai Mũi Họng tại cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, đánh giá mức độ nguy hiểm sau đó sẽ đưa ra phương án can thiệp lấy dị vật ra ngoài đảm bảo an toàn, thuận lợi nhất. Nếu dị vật là cục pin điện tử thì cần phải được lấy ra khỏi mũi sớm nhất có thể trong 4 giờ đầu, vì khi Pin bị phân hủy bởi dịch mũi sẽ gây ăn mòn hóa học, hoại tử mô, niêm mạc xung quanh dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

                                         

Trần Thị Điểm - Ngoại nhi LCK
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !