Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 305
  • Trong tuần: 8 254
  • Tất cả: 1675046
Hướng dẫn cách thở trong chuyển dạ và rặn sinh

Chuyển dạ là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ thai nghén, là hiện tượng sinh lý dưới tác dụng của cơn co tử cung nhằm tống xuất thai và rau thai ra ngoài đường sinh dục của người mẹ.

Cơn co tử cung là động lực của cuộc chuyển dạ , là nguyên nhân gây cho sản phụ cảm giác đau và lo lắng khi chuyển dạ bắt đầu, các cơn đau xuất hiện tự nhiên ngoài ý muốn của người mẹ, tăng dần đều về tần số và cường độ.

Thời gian chuyển dạ thường kéo dài từ 8 - 12 giờ ở người con rạ và thời gian này kéo dài tăng gấp đôi ở người mới sinh con lần đầu, nghĩa là từ 16 - 24 giờ tính từ khi xuất hiện cơn co tử cung chuyển dạ đầu tiên.

Quá trình chuyển dạ diễn ra như thế nào?

Giai đoạn 1: Xóa mở cổ tử cung

Giai đoạn này kéo dài nhất và gây đau đớn, vất vả và mất sức nhất mà ai cũng phải trải qua trong quá trình sinh con.

Thời gian các cơn gò ban đầu còn thưa 15-20 phút một cơn, sau đó các cơn dầy dần và cường độ mạnh dần đều, người mẹ sẽ cảm nhận cơn đau ngày càng rõ ràng hơn. Người mẹ có thể thấy đau bụng thúc xuống vùng mu, mót tiểu, mót rặn hoặc buồn nôn theo cơn gò.

Dưới tác dụng của cơn gò, cổ tử cung xóa mỏng, mở từ 1cm đến hết (10cm), đầu ối căng phồng và đầu em bé xuống dần trong khung chậu người mẹ.

 
anh tin bai

Giai đoạn 1 cổ tử cung sẽ mở ra được 9- 10cm

   Giai đoạn 2: Giai đoạn sổ thai

Khi cổ tử cung đã mở ra hoàn toàn cơn đau kéo dài khoảng 40-60s và đau dồn dập hơn, cùng với sức rặn của người mẹ đẩy thai ra khỏi âm đạo và kết thúc bằng sự kiện mà các bà mẹ đều mong đợi đó là "em bé chào đời".

         Giai đoạn 3: Sổ nhau thai và theo dõi, chăm sóc sau sinh

Giai đoạn này kéo dài từ sau khi em bé chào đời cho đến khi cho ra nhau thai, tử cung co chắc lại để cầm máu.

Vì sao cần phải tập thở trong chuyển dạ?

Tại Bệnh viện Sản nhi Lào Cai hiện nay mỗi ngày trung bình có khoảng 20 ca sinh thường, trong số đó đa phần các sản phụ chưa biết cách thở và rặn sinh đúng cách trong lúc “vượt cạn”. Điều đó  khiến các mẹ cảm thấy rất khó chịu và đau đớn, dễ rơi vào tình trạng căng thẳng và khiến người nhà lo lắng quá mức. Thở đúng cách sẽ giúp giảm bớt các cơn đau và lo lắng, thư giãn giúp cuộc chuyển dạ thuận lợi và sinh an toàn hơn.

Do đó, trước khi chuyển dạ thai phụ cần biết và luyện tập cách thở, cách rặn có hiệu quả, không rặn sớm quá hay rặn không đúng sẽ làm cho cuộc chuyển dạ kéo dài gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con. 

Sau đây là các kiểu thở:

Thở chậm-sâu:

- Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn bắt đầu của chuyển dạ, cổ tử cung mở dưới 3cm.

- Khi có cơn co tử cung, bắt đầu bằng hơi thở sâu, rồi thở ngực chậm sâu (hít bằng mũi, thở ra bằng miệng) thở chậm rãi, đều đặn và chấm dứt với một hơi thở sạch khi hết cơn co. Khi hít vào sao cho bụng phình lên, thở ra bụng xẹp.

- Thở 6-9 nhịp cho một cơn co tử cung khoảng 50 giây.

Thở nhanh-nông

- Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn hoạt động: cổ tử cung mở 4-7cm, cơn co thường mạnh hơn, dài hơn và dày hơn.

- Khi có cơn co tử cung, bắt đầu với một hơi thở sâu, tiếp theo đó là thở ngực nông. Khi cường độ cơn co càng lên cao thì càng thở nhanh hơn. Thở chậm lại khi cơn co giảm dần rồi lấy một hơi thở sâu khi cơn co chấm dứt.

- Thở 20-25 nhịp/phút (thở chậm hơn vào đầu và cuối cơn co, thở nhanh hơn vào giữa cơn co).

Thở thổi nến:

- Được dùng trong giai đoạn chuyển tiếp: khi cổ tử cung mở 7-9cm, cơn co tử cung mạnh, khoảng cách giữa 2 cơn co ngắn, sản phụ thường mắc rặn vì ngôi thai xuống và đè vào trực tràng.

- Kiểu thở này giúp làm giảm áp lực từ tử cung, tránh rặn sớm.

- Khi cơn co bắt đầu, hít một hơi thở sạch, kế đó thở nhanh nông 4 lần rồi thổi mạnh 1 lần qua miệng lại tiếp tục thở nhanh nông 4 lần rồi thổi ra. Cứ thế cho đến hết cơn co và chấm dứt với một hơi thở sâu.

anh tin bai
 

Sản phụ được hướng dẫn cách thở trong chuyển dạ tại phòng sinh Hạnh phúc – BV Sản Nhi

Rặn đẻ:

- Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn hai của chuyển dạ, khi cổ tử cung mở hết và người mẹ muốn rặn.

- Tư thế để rặn: tư thế “cong chữ C”.

- Cách rặn: khi có cơn co, lấy 2 hơi thở sâu kế đó hít một hơi dài, giữ hơi và bắt đầu rặn xuống. Khi rặn tựa cằm vào ngực, mắt nhìn xuống rốn, 2 chân ngả rộng, 2 tay bám vào cổ chân kéo khỏe, rặn đẩy xuống dưới tầng sinh môn, hết hơi bà mẹ thở ra nhẹ nhàng và hít một hơi thở sâu khác, giữ hơi và tiếp tục rặn, đến khi hết cơn co tử cung hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khi hít thở chậm sâu các bà mẹ có thể thực hiện bất cứ tư thế nào như: đang nằm, đứng hoặc ngồi, càng thư giãn thì việc hít thở càng hiệu quả.

anh tin bai
 

Ảnh minh họa các kiểu thở trong Chuyển dạ. Nguồn: BV Phụ sản Hà Nội

Những điều cơ bản của kỹ thuật thở

- Tùy vào tình trạng thăm khám lâm sàng trong chuyển dạ bác sỹ có thể hướng dẫn bệnh nhân cách thở phù hợp

- Tư thế thoải mái nằm ngửa sẽ không tốt vì làm chậm chuyển dạ và hạn chế tuần hoàn nhau thai. Bà mẹ nằm nghiêng trái hay ngồi sẽ tốt hơn.

- Hít thở sâu sẽ làm giảm bớt sự trở ngại do đáy tử cung cao đè lên cơ hoành và cách thở này được sử dụng trong suốt thời gian chuyển dạ.

- Nên tập trung vào hơi thở, nhìn vào một điểm trung tâm nào đó để quên đi cơn đau của cơn co tử cung. Điểm trọng tâm này có thể là một vật hay một tranh ảnh vui, đẹp, dễ nhìn thấy.

- Hơi thở sâu là hít vào thật sâu, thoải mái. Có thể hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng hoặc hít thở đều bằng miệng. Hơi thở sâu giúp làm tăng Oxy, giảm CO2.

Mẹ nên tập thở chuyển dạ sinh thường từ khi nào?

Các sản phụ có thể tập thở và tập rặn sinh từ sau tuần 36 của thai kỳ để quen dần với cách thở, để bình tĩnh khi có các cơn gò chuyển dạ và không lo lắng quá mức trong lúc sinh, rặn sinh có hiệu quả giúp 2 mẹ con vượt cạn an toàn.

Nắm vững các kiến thức về cách rặn đẻ và hít thở, đồng thời với sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ bác sĩ và nữ hộ sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai, chắc chắn rằng mẹ bầu sẽ có một trải nghiệm vượt cạn an toàn và nhẹ nhàng, xóa tan nỗi đau đớn khi sinh nở. Chúc các mẹ bầu sinh con an toàn và thuận lợi!

 


BS. Nguyễn Thị Bích Ngần – K. Khám bệnh.
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !