Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây dịch trên phạm vi lớn. Vi rút gây bệnh sởi lây qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, tiêu hóa, kết mạc mắt và nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên dễ mắc các biến chứng. Trước khi có vắc xin phòng sởi, các vụ dịch sởi thường xảy ra 2 đến 4 năm vào mùa xuân ở các thành phố lớn, gặp ở trẻ em từ 1 đến 6 tuổi. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Lào Cai (CDC) tính đến ngày 3/12/2024 cả nước đã ghi nhận hơn 20.000 ca nghi mắc sởi với 5.000 ca xác định. Một số tỉnh, thành phố phía Nam đã ghi nhận các trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp mắc sởi chưa được tiêm chủng. Đa số bệnh nhân mắc ở lứa tuổi từ 1 - 5 tuổi, gần đây đã xuất hiện những ca bệnh mắc ở nhóm 6 - 10 tuổi và xuất hiện cả những ca bệnh là người lớn. Để chủ động trong công tác giám sát, phòng chống bệnh Sởi tại bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai đã có công văn, kế hoạch cụ thể đến từng khoa, phòng, bộ phận để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch sởi trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay.
Chăm sóc bệnh nhân sởi
* Nguyên tắc
- Chủ yếu điều trị các triệu chứng, kết hợp với vệ sinh có thể và chăm sóc dinh dưỡng.
- Phát hiện kịp thời các biến chứng để điều trị.
* Chăm sóc và điều trị cụ thể
Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Cần lưu ý việc vệ sinh và dinh dưỡng kém sẽ góp phần làm bệnh nặng hơn.
- Xử trí hạ sốt:
+ Dùng thuốc hạ sốt paracetamon, trẻ em liều dao động 10 - 15mg/kg cân nặng/lần. Cách 4-6 tiếng lặp lại liều nếu sốt, liều lượng không quá 60 mg/kg/ngày.
+ Các dạng chế phẩm: thuốc dạng viên, dạng bột đóng gói và dạng viên đạn đặt hậu môn.
+ Hàm lượng thuốc thường có: 80 mg; 100 mg; 150 mg; 300 mg và 500 mg.
+ Nên để người bệnh nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa
+ Uống đủ nước: vì sốt cao thường gây thiếu nước. Nên dùng nước hoa quả, dung dịch nước điện giải oresol.
- Vệ sinh răng miệng, vệ sinh da, vệ sinh mắt. Người bệnh thường có triệu chứng của viêm long tại mắt và răng miệng, vì vậy cần: vệ sinh da, răng, miệng, mắt hằng ngày để tránh nhiễm khuẩn.
- Tắm, lau người, vệ sinh răng miệng: bằng nước ấm, xà phòng và khăn mềm. Nên tắm nơi kín gió, không nên tắm lâu. Cần chú ý vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn. Đặc biệt tuyệt đối không được sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân với người bệnh.
- Không nên kiêng nước, điều này sẽ ành hưởng đến việc vệ sinh, dẫn đến viêm da, viêm tắc mũi họng, thậm chí viêm loét hoại tử răng miệng (cam tẩu mã), hoặc không phát hiện kịp thời gây biến chứng loét giác mạc.
- Tăng cường chăm sóc dinh dưỡng:
Người mắc sởi thường bỏ ăn do tình trạng nhiễm trùng và viêm loét miệng. Nôn và tiêu chảy cũng làm giảm hấp thu, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh đòi hỏi cao giúp người bệnh hồi phục nhanh.
+ Chế độ ăn đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường (gạo, bột), chất đạm (thịt, cá, trứng), chất béo (dầu, mỡ), vitamin – chất khoáng (rau, quả).
+ Đối với trẻ bú mẹ: bà mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn, kết hợp với ăn bổ sung hợp lý.
+ Cách chế biến: mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa.
* Lưu ý:
- Không kiêng khem, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng.
- Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống.
- Bổ sung vitamin A trong thời gian mắc bệnh sởi:
Bổ sung vitamin A đã được chứng minh làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi. Ngoài ra thiếu vitamin A có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù lòa. Theo phác đồ điều trị bệnh Sởi của Bộ Y tế, uống ngay vitamin A theo liều sau:
- Trẻ < 6 tháng: uống 50.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp
- Trẻ 6 -12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp
- Trẻ > 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): uống 200.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp.
Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: lặp lại liều trên sau 4-6 tuần.
- Cách ly: Nên hạn chế người thăm hỏi, mọi thành viên trong gia đình, người chăm sóc cần đeo khẩu trang thường xuyên để tránh lây lan bệnh.
- Phát hiện sớm các biến chứng
* Cần lưu ý các biểu hiện sau:
- Theo dõi sát nhiệt độ: nếu ban đã bay nhưng còn sốt hoặc sốt đã hạ nhưng tái phát lại.
- Ho đột ngột tăng lên, hoặc tiếng ho ông ổng, người bệnh mệt hơn.
- Bệnh nặng hơn, thở bất thường, nhip thở nhanh, người bệnh li bì hơn.
Trong những trường hợp này cần phải nghi nghờ có biến chứng, người bệnh cần được thăm khám để phát hiện biến chứng.
* Đối với sởi có biến chứng:
- Nên được điều trị tại bệnh viện cấp huyên, hoặc cấp tỉnh.
- Nếu có biến chứng nhiễm khuẩn: dùng kháng sinh, tuỳ từng loại biến chứng.
- Nếu có biến chứng viêm não: Chống viêm, chống phù não, chống co giật.
- Các điều trị và chăm sóc khác:
+ Bồi phụ nước điện giải
+ Hút thông đờm dãi. Thở oxy hoặc hỗ trợ hô hấp, nếu có suy hô hấp
+ Khí dung chỉ cần áp dụng trong những trường hợp đặc biệt: như viêm long, phù nề thanh quản nặng.
Vì vậy cha mẹ khi thấy con có bất kì dấu hiệu bất thường, các triệu chứng của sởi hoặc nghi sởi hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn và điều trị bệnh kịp thời.
Hiện nay, chương trình tiêm chủng sởi đã góp phần phòng bệnh hiệu quả. Cha mẹ cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt cần cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc sởi – rubella đủ liều, đúng lịch. Tiêm bổ sung khi được cán bộ y tế khuyến cáo.