Tai mũi họng có cấu trúc bao gồm những ống và hốc rỗng, đồng thời về mặt vị trí thì nó là cửa ngõ của hệ hô hấp và hệ tiêu hóa, liên quan mật thiết với chức năng ăn uống và hít thở không khí. Vì vậy, tai mũi họng thường là nơi xảy ra những tai nạn do dị vật xâm nhập và mắc lại tại chỗ.
Trong những năm gần đây, nhu cầu và việc sử dụng pin để cung cấp năng lượng trong các thiết bị điện tử thu nhỏ ngày càng gia tăng như: máy trợ thính, đồng hồ, điều khiển từ xa, máy tính, máy ảnh…, và trong các loại đồ chơi trẻ em. Những pin nút nhỏ, dẹt, sáng bóng, thường hấp dẫn trẻ. Trường hợp trẻ vô tình nhét pin vào các lỗ tự nhiên như: mũi, miệng của chính bản thân hay của trẻ khác gọi là dị vật pin (DVP). DVP chủ yếu gặp ở trẻ em, nam gặp nhiều hơn nữ.
Mặc dù pin là một dị vật vô cơ nhưng khác với các dị vật khác: pin có tính chất ăn mòn, có thể gây hoại tử các tổ chức tại chỗ và xung quanh tiến triển nhanh sau vài giờ. Mức độ tổn thương do pin phụ thuộc vào: dung lượng còn lại của pin, loại pin, kích thước pin, vị trí, thời gian tiếp xúc.... DVP hầu hết do các loại pin nút (còn gọi là pin cúc áo), thường có kích thước 10 – 20 mm. Đa số các trường hợp mắc DVP thường không được chứng kiến, không được trẻ khai báo; trong khi ở trẻ có thể không có hoặc triệu chứng lâm sàng không rõ ràng; cũng như sự thiếu hiểu biết về bệnh của các bậc cha mẹ nên trẻ thường đến viện muộn.
DVP thường gặp ở mũi, thực quản. Những trường hợp đến sớm, được chẩn đoán và loại bỏ DVP nhanh thường cho tiên lượng tốt. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, DVP gây nhiều biến chứng như: ở mũi (thủng vách ngăn, dính/hẹp lỗ mũi, viêm mũi xoang mạn tính…), ở thực quản (thủng thực quản, hẹp thực quản, rò khí thực quản, liệt dây thanh, viêm trung thất…) làm tốn kém thời gian, tiền bạc, cũng như ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống sau này. Thậm chí, dị vật pin ở thực quản có thể gây tử vong do vỡ các mạch máu lớn ở cổ ngực
Dị vật pin nút mũi là tình trạng cấp cứu tối cấp trong chuyên ngành Tai Mũi Họng vì có thể gây tổn thương mũi rất nhanh, mạnh và có thể để lại di chứng nặng nề sau đó. Biến chứng dị vật pin ở mũi có thể gây loét niêm mạc cuốn, vách ngăn trong 3 – 6h; thủng vách ngăn, hoại tử cuốn dưới trong 24h. Chảy máu mũi có thể gặp do pin và/hoặc do thao tác khi loại bỏ dị vật. Tuy nhiên, thường chảy máu số lượng ít và chảy máu niêm mạc vì dị vật pin chủ yếu ở sàn mũi. Ngoài ra, còn gặp viêm mũi xoang cấp tính và biến chứng của viêm mũi xoang cấp tính khi loại bỏ dị vật pin muộn. Đặc biệt, dị vật pin ở mũi có thể dẫn đến những biến chứng lâu dài gây tốn kém tiền bạc cũng như ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống như: thủng vách ngăn, sẹo dính - hẹp hốc mũi ở một hoặc 2 bên, viêm mũi xoang mạn tính. Tùy thuộc vào độ mới, kích thước, loại pin, vị trí cực âm, thời gian mắc dị vật… mà mức độ tổn thương khác nhau.
Pin gây tổn thương mô thông qua 3 cơ chế, mặc dù sự đóng góp của mỗi cơ chế vẫn chưa được rõ ràng. Các cơ chế này sẽ hoạt động khi pin nằm tại chỗ trong mũi họng thực quản; chứ không phải khi trôi tự do hay trong quá trình vận chuyển. Thứ nhất là: tạo ra dòng điện bên ngoài pin, làm thủy phân chất lỏng mô, tạo ra hydroxit ở cực âm . Thứ hai là: rò rỉ dung dịch kiềm (dung dịch chất điện phân trong một số loại pin) do sự phá hủy pin . Thứ ba là: áp lực cơ học của pin nén lên thành các mô lân cận.
Khoa ngoại Liên chuyên khoa – Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai đã tiếp nhận, thăm khám và xử trí thành công bệnh nhi bị dị vật viên pin nút ở mũi .Vào khoảng 9 giờ ngày 21/10/2024, Phòng khám Tai Mũi Họng – Bệnh viện sản nhi Lào Cai tiếp nhận cháu N.D.N, 5 tuổi trong tình trạng ở một bên mũi trái chảy mũi dịch nâu bẩn lẫn máu, đau mũi, ngạt mũi, mũi có mùi hôi. Qua lời kể của gia đình, trước vào viện 1 ngày, gia đình phát hiện trẻ có tình trạng trên. Bệnh nhi ngay lập tức được các bác sĩ thăm khám nội soi mũi phát hiện trẻ có 1 dị vật pin nút ở hốc mũi trái, dị vật đã nhanh chóng được các bác sĩ lấy ra, dị vật đã gây cháy đen, hoại tử toàn bộ niêm mạc mũi ở vị trí dị vật nằm. Sau khi lấy dị vật và xử lý vùng hoại tử, điều trị tại viện bệnh nhi đã ổn định và được ra viện.
Dị vật pin trong mũi của trẻ N.D.N
Vì vậy, việc phòng tránh tích cực dị vật viên pin cho trẻ nhỏ ở cộng đồng là rất quan trọng. Lưu trữ và xử lí pin an toàn, để pin ngoài tầm với của trẻ em: Các thiết bị điện tử, đồ chơi trẻ em…có ngăn chứa pin cần được đảm bảo an toàn (được đóng kín và có ốc vít). Không cho trẻ em chơi với pin và các sản phẩm chứa pin lỏng lẻo, dễ tiếp cận.Tránh để pin ở các vị trí dễ nhầm với thuốc, thức ăn như: trong ví, túi, hộp đựng thuốc; để gần hạt lạc, viên kẹo....
Dự phòng biến chứng do dị vật pin khi nghi ngờ DVP ở mũi cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế,viện chuyên khoa. Không được nhỏ mũi để loại bỏ DVP. Đối với các nhân viên y tế khẩn trương trong chẩn đoán và xử trí để loại bỏ DVP càng sớm càng tốt.