Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh từ mức độ từ nhẹ đến nặng, khởi phát từ khi trẻ còn nhỏ và diễn biến kéo dài. Biểu hiện đặc trưng bởi những khiếm khuyết về giao tiếp, tương tác xã hội và những hành vi định hình, sở thích rập khuôn, giới hạn. Ngoài ra, trẻ còn có các rối loạn khác đi kèm như rối loạn giấc ngủ, rối loạn giác quan, tiêu hóa…..
Triệu chứng rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ
- Phần lớn trẻ tự kỷ có nguy cơ cao mắc phải rối loạn giác quan. Đáng chú ý gần một nửa số trẻ này phải đối mặt với các loại rối loạn giác quan khác nhau, gây ra những ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống hàng ngày của trẻ.
- Trẻ tự kỷ thường hạn chế về ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác xã hội và những hành vi lặp đi lặp lại, tự giới hạn hoặc không kiểm soát được. Những biểu hiện này bắt đầu từ giai đoạn sớm và kéo dài suốt quãng đời trưởng thành, thậm chí có thể là suốt đời.
- Do đó các trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp phải nhiều rối loạn phức tạp khác, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hoạt động của não bộ và hệ thần kinh dẫn đến rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ.
- Khi gặp vấn đề về rối loạn giác quan, trẻ tự kỷ thường khó chịu, hoặc mất kết nối, thậm chí có cảm giác không an toàn với môi trường xung quanh. Rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ có thể dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực, bất thường như liếm bàn ghế, đưa các vật vào miệng, nhạy cảm quá mức với âm thanh, la hét liên tục, hoặc hành vi nghịch ngợm, leo trèo không kiểm soát.
Hình ảnh: Trẻ nhạy cảm quá mức với âm thanh( Nguồn ảnh internet)
Các rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ thường gặp
- Trong khi người bình thường sử dụng các giác quan như thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác, tiền đình, và cảm giác bản thể để tương tác với môi trường xung quanh, trẻ tự kỷ thường không sử dụng hết các giác quan này do bị rối loạn giác quan. Thay vào đó, trẻ tự kỷ thường thể hiện thông qua các hành vi khác nhau như cắn, nắm, la hét, hoặc không ăn đồ lạ.
- Rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ có thể được phân loại dựa trên các giác quan như sau:
- Rối loạn về xử lý thính giác: Trẻ tự kỷ thường quá nhạy cảm với âm thanh, dù nhỏ nhất cũng có thể làm trẻ cảm thấy không thoải mái và sẽ tránh những âm thanh này bằng cách bịt tai, la hét, hoặc tạo ra âm thanh khác như nghiến răng.
- Rối loạn về xử lý thị giác: Trẻ tự kỷ thường tránh những kích thích thị giác như làm mờ mắt hoặc che mắt khi thấy ánh sáng. Trẻ cũng có thể có những hành vi tìm kiếm như nhìn đèn, thích bật công tắc đèn, hay xoay bánh xe và nhìn chằm chằm vào đó.
- Rối loạn về xử lý xúc giác: Trẻ gặp khó khăn trong việc sờ/nắm hoặc động/chạm vào các vùng da trên cơ thể. Trẻ có thể không thích ôm người khác hoặc không ăn đồ ăn có thành phần lạ.
- Rối loạn về xử lý cảm nhận: Trẻ gặp khó khăn trong việc cảm nhận vị trí của cơ thể hoặc các bộ phận cơ thể.
- Rối loạn về xử lý tiền đình: Trẻ sẽ khó khăn trong việc duy trì thăng bằng hoặc định hướng không gian và thể hiện bằng cách né tránh chuyển động, nằm ườn 1 chỗ hoặc chạy nhảy liên tục.
Biện pháp giúp cải thiện tình trạng rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ
Hỗ trợ cải thiện tình trạng rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ đòi hỏi sự can thiệp phù hợp, tùy thuộc vào từng dạng rối loạn giác quan cụ thể. Gia đình cần dành sự quan tâm, chăm sóc và đồng hành cùng trẻ trong quá trình này để giúp trẻ vượt qua các khó khăn, một số cách có thể áp dụng bao gồm:
- Tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh và phù hợp đối với thị giác của trẻ. Sử dụng kính lọc màu để gia tăng cảm nhận đối với ánh sáng hoặc hạn chế ánh sáng trong phòng ngủ nếu trẻ nhạy cảm với thị giác.
- Tăng cường thời gian trò chuyện, chia sẻ bằng lời nói để trẻ nhận thức và cảm nhận rõ ràng hơn thông tin qua thính giác. Hạn chế tiếng ồn từ bên ngoài hoặc sử dụng bịt tai nếu cần thiết.
- Tạo ra thói quen hàng ngày để trẻ cảm nhận rõ hơn về mùi hương quen thuộc, lựa chọn mùi hương phù hợp và tránh các mùi hương tiêu cực đối với trẻ.
- Thực hiện các bài tập massage nhẹ nhàng để gia tăng xúc giác của trẻ với môi trường xung quanh. Hạn chế các hoạt động có sự va chạm mạnh để trẻ cảm thấy dễ chịu và thoải mái.
- Hỗ trợ trẻ tham gia vào các hoạt động vận động để cải thiện thăng bằng và cảm nhận về không gian.
- Áp dụng các biện pháp ôm từ phía sau hoặc sử dụng tay để ghì sát cơ thể của trẻ. Hạn chế các vật cản trong không gian sống để trẻ có thể di chuyển dễ dàng hơn.
Phòng khám Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai với đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng chuyên khoa, giàu kinh nghiệm thường xuyên tiếp nhận điều trị và phối hợp cùng gia đình trong việc can thiệp sớm cho trẻ có các biểu hiện rối loạn giác quan, phổ tự kỷ… Khi trẻ có các biểu hiện rối loạn giác quan như trên các bậc cha mẹ hãy an tâm đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp sớm.