Ngày 01/12/2024, khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai tiếp nhận bệnh nhân nhi vào viện với tình trạng: Trẻ li bì, Sốt 41 độ C, co giật, mắt nhìn ngược, mất hết các phản xạ, hai mắt trũng nặng, nếp véo da mất rất chậm, mạch quay không bắt được, mạch bẹn nhỏ khó đếm, tim nhanh đều 187 ck/ phút, SPO2 80 % , nhịp thở 30 l / p, Khám: bụng mềm không chướng gan lách không sờ thấy, hai phổi thô không có rals. Bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc giảm thể tích, tiêu chảy cấp mất nước nặng, Theo dõi nhiễm trùng huyết.
Bệnh nhân được xử trí: thở oxy qua mask 5 lít/ phút, an thần, hạ sốt, bù nước điện giải, kháng sinh phối hợp, đặt catheter động mạch theo dõi huyết áp liên tục, lấy máu làm xét nghiệm.
Sau xử trí 30 phút, mạch quay bắt được, bắt đầu có phản xạ trở lại, HAĐM 87/43mmHg, SPO2 100%. Tiếp tục bù dịch, điện giải sau 1 giờ bệnh nhân tỉnh, nhiệt độ 38 độ C, nhận biết người thân, dấu hiệu mất nước trung bình. Sau 3 giờ bệnh nhân tỉnh, sốt nhẹ, hết dấu hiệu mất nước, không nôn, ăn được cháo, còn đại tiện phân lỏng.
Vậy tiêu chảy cấp mất nước nặng ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?
Nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ em:
Tiêu chảy cấp ở trẻ em được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do siêu vi. Dưới đây là các nguyên nhân gây ra tình trạng này ở trẻ:
Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm trùng đường ruột, được gây ra bởi các tác nhân gây bệnh, bao gồm:
Virus: Rotavirus là tác nhân gây tiêu chảy cấp phổ biến và nguy hiểm nhất – thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ nếu chưa được phòng ngừa bằng vaccine. Ngoài ra còn có Astroviruses, Adenoviruses, Norwalk Virus, Parvoviruses, Noroviruses, Caliciviruses;
Vi khuẩn gây nhiễm trùng: Bacillus, Campylobacter jejuni, lỵ trực khuẩn, thương hàn, Clostridium botulinum, E. coli, Listeria monocytogenes, Salmonella spp, Shigella spp, Staphylococcus aureus, Vibrio cholerae, Yersinia enterocolitica…;
Ký sinh trùng: Cryptosporidium, Entamoeba histolytica, Giardia lamblia, Toxoplasma gondii, …;
Trẻ bị tiêu chảy cấp do nhiễm trùng ngoài ruột: nhiễm trùng đường hô hấp, tiết niệu, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa, viêm não, viêm màng não, tay chân miệng, sởi,…;
Một số nguyên nhân khác: dị ứng thức ăn (thường là sữa bò, lạc, hải sản, trứng,…), tác dụng phụ của thuốc (thường là các loại thuốc kháng sinh, nhuận tràng hay thuốc kháng virus), hóa trị, xạ trị, rối loạn khả năng tiêu hóa và hấp thu, suy giảm miễn dịch, thiếu vitamin hoặc một số bệnh lý ngoại khoa khác…
Triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ
Tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước từ 3 lần trở lên trong 24 giờ và không quá 14 ngày (thường dưới 7 ngày). Trẻ có thể đi phân lỏng 10- 15 lần mỗi ngày, gây mất nước rối loạn điện giải nếu không điều trị kịp thời.
Hầu hết trẻ mắc bệnh khởi đầu bằng triệu chứng nôn, nôn liên tục hoặc vài lần một ngày và thường khỏi trong vòng 24 – 48 giờ. Bên cạnh đó trẻ có thể đau bụng từng cơn, biếng ăn, chỉ thích uống nước, phân lỏng nhiều lần tóe nước mùi chua, lẫn nhầy máu.
Triệu chứng điển hình của bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em là:
- Phân lỏng hoặc tóe nước từ 3 lần trở lên trong 24 giờ
- Đau quặn bụng từng cơn. Cơn đau có thể dịu bớt mỗi khi đi vệ sinh.
- Nôn
- Sốt cao
- Biếng ăn
Tình trạng mất nước nặng có thể rất nghiêm trọng thậm chí tử vong nếu không được bù dịch kịp thời.
Phân loại mức độ mất nước ở trẻ tiêu chảy cấp
|
Không mất nước
|
Có mất nước
|
Mất nước nặng
|
Toàn trạng
|
Tỉnh táo
|
Bồn chồn
khó chịu
|
Đờ đẫn
Li bì
Hôn mê
|
Mắt
|
Bình thường
|
Trũng
|
Rất trũng và khô
|
Khát nước
|
Uống bình thường, không khát
|
Khát nước,
uống háo hức
|
Uống kém hoặc không uống được
|
Nếp véo da
|
Mất nhanh
|
Chậm < 2 giây
|
Rất chậm > 2 giây
|
Các triệu chứng mất nước nghiêm trọng ở trẻ em bao gồm:
- Ngủ li bì.
- Da nhợt nhạt
- Tay chân lạnh
- Thở nhanh nông
Khi trẻ có các biểu hiện nghi ngờ tiêu chảy cấp, cha mẹ cần cho trẻ thăm khám y khoa để được các bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.
Điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ
- Điều trị triệu chứng :
- Bù nước, điện giải : tùy thuộc vào mức độ mất nước nặng hay nhẹ
+ Nếu mất nước nặng: truyền dung dịch đẳng trương Nacl 0,9% hoặc Ringerlactat
+ Nếu mất nước trung bình, nhẹ : Uống ORS có áp suất thấp:
Với trẻ em:
Tổng lượng dịch cần bù trong 24 giờ = lượng đã thiếu hụt + lượng duy trì + lượng tiếp tục mất.
Cách tính lượng dung dịch nước điện giải cần bù cho lượng đã thiếu hụt ở trẻ tiêu chảy cấp:
+ Mất nước trung bình: 30 – 80 ml/kg thể trọng trong 4 – 6 giờ.
+ Mất nước nặng: 100 ml/kg thể trọng trong 4 – 6 giờ.
- Cách tính lượng ORS duy trì:
+ 10kg thể trọng đầu tiên: 100 ml/kg/24 giờ.
+ 10kg thể trọng tiếp theo: thêm 50 ml/kg/ngày.
+ Hơn 20 kg thể trọng: thêm 20 ml/kg/ngày.
- Lượng nước tiếp tục mất: thêm 10 ml/kg cho mỗi lần trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nôn.
- Các thuốc điều trị triệu chứng: Thuốc bọc niêm mạc đường tiêu hóa ( Smecta); men tiêu hóa : Enterogermina; antibio; thuốc kẽm giảm mức độ nặng của bệnh , rút ngắn thời gian tiêu chảy; Thuốc kháng tiết trong trường hợp tiêu chảy do cơ chế xuất tiết: Racecadotril; thuốc giảm nhu động
- Với trẻ nhỏ dinh dưỡng quan trọng:
- Trẻ bú mẹ: tiếp tục bú mẹ.
- Trẻ bú bình: tiếp tục bú bình sau khi bù dịch được 4 – 6 giờ.
- Trẻ ăn dặm: tiếp tục ăn dặm, bớt thức ăn nhiều mỡ và đường.
- Trường hợp trẻ bú bình tiêu phân toàn nước vẫn còn tiêu lỏng sau 5 ngày điều trị: có thể khuyến cáo đổi sang dùng sữa không lactos
- Thuốc kháng sinh
Xét nghiệm điện giải đồ nhằm đánh giá mức độ mất nước của trẻ;
Xét nghiệm CTM, CRP được thực hiện khi trẻ sốt và nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn, có dấu hiệu mất nước;
Soi, cấy phân được thực hiện khi nghi ngờ bé bị tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn;
Soi tươi phân để tìm ký sinh trùng;
Siêu âm bụng khi trẻ bị đau bụng, phân lẫn máu, nôn nhiều;
Chụp X-quang bụng nếu bé bị chướng bụng, X-quang phổi khi nghi ngờ bé bị viêm phổi…