Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 467
  • Trong tuần: 8 806
  • Tất cả: 1566712
Chấn thương sọ não kín, tụ máu ngoài màng cứng và vai trò của CT. Scaner sọ não

Máu tụ ngoài màng cứng chiếm một tỉ lệ lớn trong chấn thương sọ não. Máu tụ ngoài màng cứng là một biến chứng hết sức nguy hiểm trong chấn thương sọ não. Máu tụ ngoài màng cứng có thể đơn thuần hoặc liên quan đến máu tụ dưới màng cứng cùng một vị trí với ngoài màng cứng hoặc có khi xuất hiện ở vị trí khác. Máu tụ ngoài màng cứng là tình trạng một khối máu hình thành giữa màng cứng và hộp sọ sau một chấn thương

CT. Scaner sọ não là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán, là phương pháp thuận lợi và nhanh chóng để phát hiện tổn thương sọ não.

Các triệu chứng và chẩn đoán:

Đa số các máu tụ ngoài màng cứng đơn thuần thường có khoảng tỉnh rõ. Khoảng tỉnh có thể xuất hiện một vài giờ hoặc vài ba ngày, có khi nhiều tuần lễ, thậm chí khoảng tỉnh chỉ trong vòng 15 đến 20 phút, điều này tùy thuộc vào khối lượng và vị trí khối máu tụ. Khoảng 60-70% khối máu tụ ngoài màng cứng có khoảng tỉnh rõ. Khi các thương tổn đó có kèm theo máu tụ dưới màng cứng, dập não hay có phù não thì khoảng tỉnh hầu như không rõ ràng.

Các máu tụ ngoài màng cứng với khối lượng không nhiều (khoảng 30g) ở vị trí trán, thùy đỉnh hay thùy thái dương, thường rất ít xuất hiện dấu thần kinh khu trú, cũng ít khi có giãn đồng tử. Đau đầu là một dấu hiệu thường gặp ở những bệnh nhân có loại thương tổn ở mức độ này. Đôi khi một chấn thương sọ não có đường nứt sọ kèm theo với một đau đầu ở mức độ vừa phải, thậm chí đau đầu này không làm cho bệnh nhân lo lắng về chấn thương của họ, nhưng khi chụp CT Scan đầu xuất hiện một khối máu tụ ngoài màng cứng và cần phải được can thiệp ngoại khoa ngay.

Một máu tụ ngoài màng cứng do đứt một nhánh động mạch màng não giữa tạo lập một khối máu tụ lớn ở vùng thái dương hay rãnh Rolando (rãnh trung tâm) có thể dẫn đến dấu thần kinh khu trú như yếu hoặc liệt nửa người đối bên, có khi giãn đồng tử cùng bên với tổn thương. Với khối máu tụ ở thùy thái dương dễ gây tụt não thùy thái dương (uncal herniation). Máu tụ ngoài màng cứng ở trẻ em ít khi có xuất hiện dấu hiệu thần kinh khu trú, nhưng đau đầu là một dấu hiệu gợi ý có giá trị cao. Việc tầm soát một biến chứng máu tụ ngoài màng cứng cần khảo sát một số tiêu chuẩn sau:

1. Có một chấn thương vào đầu

2. Có khoảng tỉnh

3. Một đường nứt sọ trên phim chụp thường qui

4. Đau đầu kéo dài khi đã dùng các thuốc giảm đau thuần túy không có hiệu quả.

5. Đôi khi có xuất hiện dấu thần kinh khu trú.

Tất cả các tiêu chuẩn trên giúp cho người thầy thuốc đánh giá xem tổn thương nội sọ đang ở giai đoạn nào. Để chẩn đoán xác định thì máy CT Scan là một “tiêu chuẩn vàng (gold standard)”. Ngày nay CT Scan giữ một vai trò quan trọng trong việc theo dõi các biến chứng trong sọ mà đặc biệt là máu tụ ngoài màng cứng.

Khi một máu tụ ngoài màng cứng lớn ở vùng trán đã chèn ép não kéo dài, có thể dẫn đến tụt não dưới liềm (falcine herniation) gây phù não và thiếu máu não do chèn ép nhóm động mạch não trước. Một máu tụ ngoài màng cứng vùng chẩm ít khi có dấu hiệu thần kinh khu trú. Khi máu tụ này quá lớn gây thiếu máu và phù não lan rộng đến bao trong thì dấu thần kinh khu trú sẽ xuất hiện. Thường ở vị trí này, đau đầu là dấu hiệu sớm.

Thương tổn ngoài màng cứng có thể xuất hiện ở hai vị trí khác nhau trên cùng một bên hoặc đôi khi xuất hiện ở hai bên khác nhau. Trên mạch não đồ rất khó phát hiện hai vị trí cùng một lúc. Chỉ có chụp CT Scan giúp chẩn đoán chính xác nhất.

Là khối tăng tỷ trọng có tỷ trọng của dịch máu trung bình 80HU với máu tụ mới và giảm dần về 60HU với máu tụ mãn tính. Khối máu tụ có hình thấu kính lồi một cạnh dựa vào vòm sọ cạnh còn lại lấn sâu vào nhu mô não. Khi khối máu tụ đủ lớn sẽ gây hiệu ứng khối trong não với hình ảnh đường giữa bị đẩy lệch sang bên đối diện, phù nề xóa các rãnh cuộn não quanh khối máu tụ. Thông thường khối máu tụ sẽ nằm ở cùng vị trí tổn thương hộp sọ như vỡ xương hay đụng giập phần mềm bên ngoài hộp sọ. Đôi khi với trẻ nhỏ do xương hộp sọ mềm và đàn hồi nên có tụ máu trong não sau chấn thương mà không thấy vỡ lún hộp sọ.

  
anh tin bai

Hình ảnh tụ máu ngoài màng cứng của trẻ 6 tuổi

Khi được chẩn đoán tụ máu ngoài màng cứng tùy thuộc vào khối lượng máu tụ, vị trí máu tụ và hiệu ứng khối do khối máu tụ gây ra mà có những cách xử trí khác nhau.

Phẫu thuật cấp cứu không trì hoãn khi khối máu tụ lớn hơn 30 cm3, dấu hiệu đè đẩy đường giữa quá 5 mm, không có dấu hiệu thần kinh khu trú. Chỉ điều trị nội khoa kèm theo phải theo dõi sát tri giác, khoảng tỉnh và bằng CT.Scaner sọ não khi bệnh nhân có khối máu tụ nhỏ hơn 30 cm3, không có dấu hiệu thần kinh khu trú.

Các đơn vị tuyến cơ sở khi có bệnh nhân CT sọ não kín, tụ máu ngoài màng cứng, phải qua cấp cứu ban đầu sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất có điều kiện phẫu thuật có khoảng thời gian vận chuyển không quá 3h.

Hiện tại ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã có máy chup CT Scanner 64 dãy luôn sẵn sàng làm việc 24/24. Mọi bệnh nhân tới chụp đều được phục vụ tận tình chu đáo và có kết quả nhanh chóng và chính xác nhất. Khi trẻ nhỏ bị tai nạn nghi ngờ có tổn thương trong não hãy đưa trẻ tới ngay bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

 

BSCKI. Đỗ Quốc Lập - Khoa CĐHA
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !