DINH DƯỠNG VỀ VẤN ĐỀ SỬ DỤNG GIA VỊ TRONG CHẾ BIẾN MÓN ĂN CHO TRẺ
Gia vị là nguyên liệu, phụ gia thực phẩm có mùi, vị và sắc riêng biệt được cho vào thực phẩm nhằm làm thay đổi trạng thái, màu sắc, mùi vị của thực phẩm theo hướng có lợi, làm tăng chất lượng sản phẩm ăn uống. Vì vậy cần cung cấp những kiến thức về sử dụng gia vị hợp lý trong chế biến món ăn để đảm bảo lượng gia vị sử dụng đúng theo nhu cầu khuyến nghị giúp trẻ phát triển tốt và khỏe mạnh.
Nguồn hình ảnh Internet
Nhóm gia vị mặn
Muối ăn: Muối ăn có thành phần chủ yếu là NaCl và một hàm lượng rất nhỏ các khoáng chất vi lượng khác. Trong cơ thể, natri đóng vai trò rất quan trọng như điều hòa dịch thể, cân bằng axit- bazơ, dẫn truyền tín hiệu thần kinh, chức năng thận, cung lượng tim, co thắt cơ tim. Tùy vào từng độ tuổi mà nhu cầu Natri khác nhau, ở trẻ sơ sinh và trẻ em trong giai đoạn ăn bổ sung, nhu cầu natri có thể đáp ứng đủ từ nguồn sữa mẹ. Khi chế biến món ăn cho trẻ, cần chú ý nêm nếm nhạt hơn khẩu vị của người lớn để tránh thói quen ăn mặn cho trẻ sau này.
Nước mắm, nước tương: Có thể được sử dụng để chế biến món ăn cho trẻ trên 12 tháng tuổi.
Bột canh: Tương tự như các gia vị mặn khác, bột canh có thể được sử dụng chế biến món ăn cho trẻ từ 12 tháng tuổi nhưng cần chú ý hàm lượng natri có trong bột canh khá cao, nên sử dụng ở hàm lượng vừa để đảm bảo nhu cầu khuyến nghị.
Nhóm gia vị ngọt
Đường : Hầu hết trẻ em đều yêu thích vị ngọt nên thích ăn các đồ chứa nhiều đường. Sau khi tiêu hóa, đường sẽ chuyển hóa nhanh chóng thành năng lượng cho cơ thể, 1g đường cung cấp khoảng 4kcal. Theo khuyến nghị của WHO, trẻ em nên giới hạn lượng đường ở mức dưới 10% nhu cầu năng lượng tiêu thụ hằng ngày. Đối với trẻ 3-5 tuổi, Viện Dinh Dưỡng khuyến cáo lứa tuổi này không nên tiêu thụ quá 3 đơn vị đường/ ngày. Trong đó 1 đơn vị đường tương đương với 1 thìa cà phê đường 5g, 1 thanh kẹo lạc 8g, 1 thìa cà phê mật ong 6g.
Mật ong: Từ lâu mật ong được biết đến như là một vị thuốc phòng tránh chữa ho, giữ đường hô hấp khỏe mạnh. Trong mật ong có chứa bào tử vi khuẩn Clostridium botulinum, khi trẻ dưới 6 tháng ăn phải mật ong có chứa bào tử này, bào tử sẽ nảy mầm thành vi khuẩn Clostridium botulinum xâm nhập vào ruột, đồng thời giải phóng độc tố khiến trẻ bị táo bón, biếng ăn, tiếng khóc nghe yếu ớt, mất biểu cảm trên khuôn mặt, toàn thân yếu ớt,..nặng có thể dẫn đến tử vong. Theo WHO, không nên cho trẻ dưới 12 tháng sử dụng mật ong.
Nhóm gia vị UMAM
Mì chính: Theo WHO, FAO,FDA, mì chính an toàn khi sử dụng cho mọi đối tượng kể cả trẻ em. Đối với trẻ em, các nghiên cứu ở nhiều giai đoạn khác nhau của trẻ xác nhận mì chính là an toàn khi sử dụng chế biến cho trẻ.
- Đối với giai đoạn bào thai: nguồn năng lượng chính cho các hoạt động của nhau thai là glutamate.
- Giai đoạn trẻ bú sữa mẹ: Glutamate vốn dồi dào trong sữa mẹ. Tại Hoa Kỳ, Hội Nhi Khoa cũng chỉ ra việc sử dụng mì chính ở người mẹ trong thời kì cho con bú không ảnh hưởng đến trẻ bú sữa mẹ hay tác động đến việc tiết sữa mẹ.
- Giai đoạn ăn bổ sung: các nghiên cứu cũng cho thấy mì chính có khả năng thúc đẩy quá trình tiêu hóa thực phẩm giàu protein
Nhóm gia vị chua
Giấm là chất lỏng có vị chua với thành phần chính là axcit acetic được hình thành từ sự lên men rượu etylic. Trẻ sơ sinh không thích vị chua và biểu lộ rõ ràng sự không thích trên khuôn mặt khi nếm phải vị chua. Khi trẻ 12 tháng trở lên, cũng giống như các gia vị khác, có thể sử dụng giấm để sơ chế, làm sạch và chế biến một số món ăn cho trẻ, giúp tăng hương vị cho món ăn.
Nhóm gia vị hỗn hợp
Hạt nêm là một gia vị tổng hợp gồm nhiều thành phần nguyên liệu nên có tính tiện lợi cao và được sử dụng rộng rãi. Hạt nêm cũng có thể sử dụng trong chế biến món ăn cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên nhưng cần chú ý lượng natri có trong hạt nêm để đảm bảo nhu cầu khuyến nghị.