Nhiễm giun kim hay tình trạng giun kim ở hậu môn trẻ là vấn đề khiến rất nhiều cha mẹ lo lắng hiện nay. Giun kim là loài giun nhỏ, có màu trắng, sống trong ruột người, có thể tìm thấy quanh hậu môn và trong phân. Nhiễm giun kim gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở trẻ trong độ tuổi mầm non.
Trẻ bị nhiễm giun kim có thể gặp phải một số vấn đề nguy hiểm về sức khỏe:
- Giun kim gây tổn thương kích thích niêm mạc ruột;
- Chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng âm ỉ kéo dài, rối loạn tiêu hóa;
- Nhiễm giun kim trong thời gian dài khiến trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, da xanh xao, thiếu máu;
- Trường hợp giun kim chui vào ruột thừa có thể gây viêm ruột thừa;
- Giun kim sống ở hậu môn nên có thể chui vào âm đạo gây ngứa âm đạo, viêm tấy và nhiễm khuẩn;
- Giun kim đi lạc chỗ vào thực quản, phổi, bàng quang… gây viêm nhiễm
Hình ảnh nội soi trực tràng phát hiện ra giun kim ở trẻ 4 tuổi tại BV Sản Nhi Lào Cai
Làm thế nào để biết trẻ có bị nhiễm giun kim hay không?
- Trẻ bị nhiễm giun kim thường sẽ gãi và kêu ngứa quanh hậu môn, đặc biệt là vào ban đêm soi đèn pin có thể thấy giun kim bò ra ngoài đẻ trứng.
- Nếu là trẻ sơ sinh thì giấc ngủ sẽ bị xáo trộn và quấy khóc do ngứa gây ra.
Biện pháp phòng ngừa trẻ nhiễm giun kim
- Tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
- Cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, thức ăn được nấu chín;
- Thường xuyên cắt móng tay, móng chân cho trẻ;
- Vệ sinh sạch sẽ hậu môn cho trẻ bằng xà phòng sau mỗi lần đi đại tiện, không để trẻ ở chuồng;
- Không để trẻ bò lê la trên sàn bẩn hoặc nghịch đất cát;
- Định kỳ tẩy giun cho trẻ 1-2 lần/năm;
- Nếu trong nhà có 1 thành viên bị nhiễm giun kim thì nên tẩy giun cho cả gia đình.
Nguồn ảnh Internet
Khi nào phải tẩy giun cho con?
- Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì trẻ em từ 1 tuổi đã có thể tẩy giun nhưng trẻ trên 2 tuổi tẩy giun là tốt nhất. Từ 2 tuổi trở xuống, nếu tẩy giun cho trẻ cần có sự thăm khám của bác sĩ, bởi trẻ dưới 2 tuổi hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện, cần theo dõi kỹ hơn.
- Tần suất tẩy giun hợp lý: Các chuyên gia khuyến cáo nên tẩy giun 1 năm 1 lần. Đối với vùng nguy cơ cao, nên tẩy giun 6 tháng/lần.
Lưu ý khi tẩy giun cho con: Sau khi sử dụng thuốc tẩy giun, bé sẽ có thể có biểu hiện: Chóng mặt, buồn nôn, rối loạn tiêu hoá, đau bụng... nhưng sẽ diễn ra thoáng qua, bé sẽ tự hết, tự khỏi. Trường hợp bé bị nổi ban, mày đay, đi ngoài... thì cha mẹ cần cho con đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám kịp thời.