Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 591
  • Trong tuần: 9 773
  • Tất cả: 1688884
Những điều cần biết về bệnh ho gà
anh tin bai

Ngày 06 /5/2024, khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai tiếp nhận 02 bệnh nhân nghi mắc ho gà được chuyển từ bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn đến trong tình trạng nguy kịch. Khó thở liên tục, ho nhiều, cơn ho dài, sau khi tiếp nhận các bệnh nhân đã được xếp phòng riêng, điều trị tích cực và lấy mẫu bệnh phẩm gửi bệnh viện vệ sinh dịch tễ trung ương để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định, sau đó có kết quả dương tính với ho gà, 02 bệnh nhân đã được điều trị tích cực tại khoa hồi sức cấp cứu và khoa truyền nhiễm bệnh viện Sản Nhi Lào Cai, hiện tại sức khỏe đã ổn định và được ra viện. Vậy đâu là những dấu hiệu nhận biết ho gà và nên phòng tránh như thê nào?

Bệnh ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp và nguy hiểm nhất là trẻ nhỏ. Là bệnh truyền nhiễm gây ra do vi khuẩn ho gà tên khoa học là Bordetella pertussis. Bệnh thường xảy ra quanh năm, lưu hành mang tính địa phương. Tập trung tại các tỉnh thành phố mật độ dân số đông, thường vào mùa đông xuân.

Đường lây bệnh: Chủ yếu qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt khi người nhiễm vi khuẩn nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp của người mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh phổ biến là trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ càng nhỏ nguy cơ mắc bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng.

Bệnh ho gà ở trẻ tiến triển qua các giai đoạn:

- Thời kỳ ủ bệnh: Thay đổi từ 2-30 ngày, thời kỳ này không có triệu chứng

- Thời kỳ khởi phát: 1-2 tuần biểu hiện sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp, ho khan, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, chảy nước mũi sau chuyển sang ho cơn, lúc đầu về đêm, sau cơn dài, dày hơn, không giảm với các thuốc giảm ho thông thường.

- Thời kỳ toàn phát: Kèo dài 1-2 tuần, triệu chứng chính là ho cơn, cơn ho điển hình diễn biến qua 3 giai đoạn ho, thở rít, khạc đờm. Cơn ho xuất hiện bất chợt hoặc sau kích thích, lúc đầu ho rũ rượi 15-20 tiếng ho liên tiếp, tiếp đó ho liên tục cuối cơn ho xuất hiện tiếng thở rít vào, đến khi trẻ khạc được đờm trắng mới kết thúc cơn ho. Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ, mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh, mi mắt nặng, xuất huyết kết mạc, loét hãm lưỡi.

- Thời kỳ lui bệnh và hồi phục: Sau 2-4 tuần, cơn ho giảm dần, ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm dần. Trẻ ăn được và hồi phục, ở 1 số trường hợp còn có các cơn ho phận kéo dài 1-2 tháng.

Biến chứng bệnh ho gà nguy hiểm thường xảy ra ở trẻ nhỏ:

- Biến chứng hô hấp: là biến chứng thường gặp nhất ở trẻ em căn nguyên chính gây tử vong do bội nhiễm ở phổi, phế quản gây viêm phổi bội nhiễm do phế cầu, Hi, tụ cầu vàng…

Viêm phổi do trực khuẩn ho gà thường nặng, hay găp ở trẻ chưa có miễn dịch

- Biến chứng do cơn ho gây ra: Xẹp phổi do tắc đờm, tràn khí màng phổi do vỡ phế nang, khí phế thũng, giãn phế quản, tràn khí trung thất, màng phổi

- Biến chứng thần kinh: Viêm màng não, viêm não… Co giật do thiếu oxy não, xuất huyết não do tăng áp lực nội sọ, chậm phát triển trí tuệ do thiếu oxy não trong cơn ho kéo dài

- Các biến chứng khác: Xuất huyết võng mạc, xuất huyết kết mạc mắt, hoàng điểm; sa trực tràng, lồng ruột, thoát vị bẹn, thoát vị rốn, rối loạn nước, điện giải, thăng bằng toan kiềm; suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch.

Điều trị ho gà:

- Điều trị nguyên nhân: Sử dụng kháng sinh trước khi cơn ho xuất hiện. Đặc biệt đối với trẻ dưới 6 tháng điều trị sớm ngay khi thấy dấu hiệu đầu tiên là rất quan trọng.

- Điều trị triệu chứng: Giảm ho long đờm. Một số trường hợp nặng trẻ có thể xuất hiện co giật có thể dùng các thuốc chống co giật như: phenobarbital, seduxen... Hỗ trợ thở oxy, bóp bóng, hút đờm dãi tuỳ theo mức độ suy hô hấp.

- Kết hợp chế độ dinh dưỡng cho trẻ: Do ho nhiều trẻ có thể bị nôn nên sau khi trẻ nôn có thể cho trẻ ăn. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.

Khuyến nghị:

Bệnh Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh kéo dài khoảng 7 tuần, nhưng ho có thể tiếp tục trong nhiều tháng. Người bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời tránh lây lan sang công đồng, đặc biệt lây bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh có thể diễn biến nặng và có nguy cơ tử vong.

Tiêm phòng vaccine đầy đủ theo lịch tiêm chủng là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.


 

BS. Bàn Văn Hà – Khoa Hồi sức cấp cứu
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !