Amidan là tổ chức bạch huyết nằm ở hai bên họng có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể trẻ trước sự xâm nhập của những vi sinh vật có hại theo đường hô hấp và tiêu hoá. Nhiều trẻ bị viêm amidan thường được chỉ định phẫu thuật cắt amidan để hạn chế các biến chứng viêm amidan như khó thở, ngủ ngáy, nhiễm trùng tái phát nhiều lần. Phẫu thuật cắt amidan ở trẻ em có mục đích nhằm lấy bỏ toàn bộ tổ chức amidan bị viêm hoặc quá sản ở vùng hầu họng. Vậy để phẫu thuật cắt Amydan cho bệnh nhi bác sĩ gây mê hồi sức sẽ lựa chọn phương pháp vô cảm (gây mê hay gây tê) nào để áp dụng, câu hỏi đặt ra là vấn đề được các ba mẹ quan tâm nhất lúc này?
Phương pháp vô cảm áp dụng cho phẫu thuật cắt Amydan ở trẻ em là gây mê nội khí quản, đây là kỹ thuật gây mê toàn thân có đặt nội khí quản với mục đích kiểm soát hô hấp trong suốt cuộc phẫu thuật và hồi sức sau phẫu thuật.
- Chỉ định: Phẫu thuật cắt amidan trẻ em
- Chống chỉ định tương đối:
+ Người bệnh không đồng ý.
+ Không đủ phương tiện gây mê, hồi sức.
+ Không thành thạo kĩ thuật.
Quy trình thực hiện gây mê nội khí quản phẫu thuật cắt amidan ở trẻ em cần được thực hiện nghiêm chỉnh theo các bước sau để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả cho cuộc phẫu thuật:
- Chuẩn bị phương tiện vật tư trang thiết bị: bao gồm máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân (tần số tim, tần số thở, huyết áp, nhiệt độ, độ bão hoà oxy...), máy thở, máy hút đờm dãi, ống nội khí quản nhiều kích cỡ, đèn soi thanh quản, mặt nạ, canule và các dụng cụ sử dụng trong phẫu thuật cắt amidan ở trẻ em như dao điện, dao lạnh, kẹp, kim, chỉ khâu...
- Chuẩn bị bệnh nhân:
+ Bác sĩ điều trị cần thăm khám lâm sàng, khai thác bệnh sử và tiền sử kỹ lưỡng trước khi thực hành gây mê nội khí quản phẫu thuật cắt amidan ở trẻ em để loại trừ các chống chỉ định. Các bước trong quy trình thực hiện cũng như những tai biến có thể xảy ra cũng cần được tư vấn và giải thích trước khi gây mê để có được sự đồng thuận và hợp tác tốt giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Tất cả các trường hợp đều cần đánh giá và phân loại đặt nội khí quản khó để thực hiện theo quy trình đặt nội khí quản khó hoặc lựa chọn phương pháp gây mê khác.
+ Cho bệnh nhân nằm trên bàn phẫu thuật ở tư thế nằm ngửa
+ Tìm và đặt một đường truyền tĩnh mạch ngoại vi
+ Lắp đặt hệ thống máy móc gây mê, đặc biệt là máy theo dõi các dấu hiệu sinh tồn cho người bệnh.
+ Cho thở oxy 3 – 6 lít/phút trong vòng ít nhất 5 phút trước khi bắt đầu khởi mê
- Khởi mê: Cân nhắc thực hiện tiền mê trước khi khởi mê nếu cần thiết. Trong bước tiền mê, bác sĩ gây mê sẽ chỉ định sử dụng thuốc mê đường tĩnh mạch hoặc thuốc mê đường hít tuỳ thuộc vào từng trường hợp. Thuốc mê thường được sử dụng cùng với các thuốc giảm đau, có hoặc không phối hợp với các thuốc giãn cơ.
- Đặt ống nội khí quản: Ống nội khí quản chỉ nên được đặt khi bệnh nhân rơi vào trạng thái ngủ sâu với các cơ thư giãn hoàn toàn. Ống nội khí quản có thể được đặt theo đường miệng hoặc đường mũi. Nếu phẫu thuật cắt amidan ở hai bên, ống nội khí quản nên được đặt theo đường mũi để tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật viên. Đầu bệnh nhân cần được đặt ở tư thế trung gian, đèn soi thanh quản được đưa vào từ bên phải để đẩy lưỡi sang trái. Đưa đèn soi thanh quản sâu vào vùng họng hầu tìm nắp thanh môn. Khi bật được nắp thanh môn lên, quan sát thấy lỗ thanh môn, tiến hành luồn ống nội khí quản qua lỗ thanh môn giữa hai dây thanh âm được một đoạn 2 – 3 cm thì dừng lại. Rút đèn soi thanh quản và bơm bóng theo hướng dẫn để cố định ống nội khí quản. Dùng băng dính để cố định ống ở một bên miệng.
- Duy trì mê: Tiếp tục sử dụng các thuốc gây mê đường tĩnh mạch hoặc đường hơi để kéo dài trạng thái mê của người bệnh cho đến khi phẫu thuật cắt amidan hoàn thành. Tiếp tục theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh bao gồm tần số tim, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, SpO2 và vị trí của ống nội khí quản để kịp thời phát hiện bất thường và tiến hành xử trí.
- Theo dõi phát hiện tai biến sau phẫu thuật cắt amidan ở trẻ em
Phẫu thuật cắt amidan ở trẻ em có gây mê nội khí quản có thể có một số tai biến sau:
+ Không đặt được ống nội khí quản: cần xử trí theo hướng đặt nội khí quản khó hoặc lựa chọn phương pháp gây mê thay thế.
+ Chấn thương khi đặt ống nội khí quản: các tổn thương có thể gặp là gãy răng, chảy máu, Chấn thương hàm lưỡi, Chấn thương dây thanh âm, dị vật đường thở. Cách xử trí tuỳ vào từng trường hợp cụ thể.
+ Sai lệch vị trí ống nội khí quản: trong suốt quá trình phẫu thuật, ống nội khí quản có thể tụt sâu vào bên trong hoặc rớt ra bên ngoài hay gập ống gây khó khăn trong việc hô hấp. Nếu tai biến này xảy ra, cần xử trí cấp cứu để bảo vệ đường thở và việc hô hấp của người bệnh.
+ Sau rút ống nội khí quản, người bệnh có thể đối diện với các tình huống như suy hô hấp, co thắt thanh khí phế quản, khàn tiếng hoặc mất tiếng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, ...
+ Trào ngược dịch tiêu hoá vào đường hô hấp: cần tiến hành xử trí cấp cứu bằng hút dịch dạ dày khỏi đường hô hấp trong khi đặt người bệnh ở tư thế nằm đầu thấp nghiêng sang bên. Ống nội khí quản cần được đặt lại nhanh chóng để kiểm soát đường hô hấp. Sau phẫu thuật, người bệnh cần được kiểm tra và theo dõi để phát hiện sớm biến chứng viêm phổi do hít nếu có.
Hình ảnh phẫu thuật cắt Amidan cho trẻ tại BV Sản Nhi tỉnh Lào Cai
Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã và đang thực hiện thành công phẫu thuật cắt amidan gây mê nội khí quản cho nhiều bệnh nhi. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, thành thạo từng bước phẫu thuật; gây mê hồi sức với trang thiết bị hiện đại, chúng tôi luôn cố gắng đem đến cho quý bệnh nhân và gia đình những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt nhất.
Liên hệ để đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai:
Hotline: 0868.966.028
Nhắn tin qua Fanpage: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai
Hoặc đến trực tiếp Phòng khám Tai Mũi Họng – Tầng 2 – Nhà B - Khoa Khám bệnh để được tư vấn.