Viêm màng não mủ là gì?
Viêm màng não mủ là tình trạng nhiễm khuẩn màng não do các tác nhân gây bệnh có khả năng sinh mủ xâm nhập vào màng não gây ra. Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao.
Ba loại vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ hay gặp nhất là: Phế cầu (Streptococcus pneumonia); H.influenza (Haemophilus influenza) và não mô cầu (Neisseria meningitidis). Ở trẻ sơ sinh, các loại vi khuẩn gây viêm màng não mủ thường gặp là B.streptococcus, Escherichia coli, Listeria monocytogenes. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn và nấm khác cũng có thể là nguyên nhân gây viêm màng não mủ nhưng ít gặp hơn và thường xảy ra trên những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiễm khuẩn huyết.
Biểu hiện của viêm màng não mủ sơ sinh?
Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân bị viêm màng não mủ sơ sinh thường bắt đầu là sốt, kích thích hoặc co giật, li bì, bỏ bú. …Bệnh thường gặp ở trẻ sinh non, nhiễm khuẩn ối, ngạt sau đẻ.
- Hội chứng nhiễm khuẩn thường không rõ rệt, trẻ có thể sốt hoặc không sốt thậm chí bị hạ thân nhiệt, quấy khóc hoặc li bì, mệt mỏi, bú kém, da xanh tái. ..
- Hội chứng màng não không đầy đủ hoặc biểu hiện kín đáo hơn. Trẻ thường bỏ bú, nôn trớ, thở rên, thở không đều hoặc có cơn ngừng thở, thóp phồng, bụng chướng, tiêu chảy, giảm trương lực cơ, mất các phản xạ sinh lý của trẻ sơ sinh và có thể co giật.
Viêm màng não mủ sơ sinh có nguy hiểm không?
Viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Tỷ lệ tử vong trung bình ở bệnh nhân mắc viêm màng não mủ là 7 -10% (do não cầu), 30% (do phế cầu) và 10 -14% (do H. Influenzae). Các trường hợp tử vong sớm do suy hô hấp, phù não, sốc nhiễm trùng không hồi phục... Tử vong muộn do biến chứng nhiễm khuẩn nặng ở não và ngoài não gồm áp xe não, viêm thận, viêm phổi, loét rộng và suy kiệt.... Một số trường hợp có thể để lại di chứng: Tổn thương thần kinh khu trú gây liệt:liệt nửa người, liệt 2 chi dưới, tổn thương dây thần kinh sọ não, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh…
Ngày 23/05/2024, khoa Điều trị sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai tiếp nhận em bé sơ sinh L.T.D được chuyển từ khoa Sản sang vì sốt cao, co giật. Bệnh nhân được mổ lấy thai vì thai 40 tuần cạn ối, mẹ thấp bé, tiền sử mẹ hoàn toàn bình thường, sau mổ trẻ hồng hào khóc to, bú tốt và được nằm theo dõi với mẹ tại khoa sản. Sau sinh 2 ngày trẻ bắt đầu sốt cao, ăn kém, co giật và tăng trương lực cơ. Ngay thời điểm vào khoa, bệnh nhân đã được làm xét nghiệm máu và chọc dịch não tủy, kết quả xét nghiệm máu trong tình trạng nhiễm trùng nặng, suy thận. Dịch não tủy đục như nước vỏ gạo, có nhiều bạch cầu. Trẻ được chẩn đoán viêm màng não mũ - nhiễm trùng huyết. Việc điều trị của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn khi các chỉ số xét nghiệm trong 3 ngày đầu nhiễm trùng ngày một tăng cao, trẻ trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy thận, rối loạn điện giải và đông máu. Khoa Điều trị sơ sinh đã hội chẩn cùng Bệnh viện Nhi Trung ương thống nhất phác đồ điều trị: Thở máy, kháng sinh kết hợp, duy trì an thần, vận mạch, chống phù não, truyền huyết tương. Sau 6 ngày điều trị tích cực em bé đã cai được máy thở và được ghép mẹ, cho tập bú mẹ. Sau 13 ngày điều trị các xét nghiệm của trẻ về giới hạn bình thường, nhưng để tránh di chứng tổn thương não trẻ được duy trì dùng kháng sinh đủ 3 tuần theo đúng phác đồ. Hiện tại sau 22 ngày điều trị, em bé được ra viện trong niềm vui của cả gia đình và tập thể khoa.Trẻ được sàng lọc đầy đủ và hẹn tái khám tại khoa.
Hình ảnh ngày em bé khi được ra viện
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai khuyến cáo các bà mẹ mang thai cần khám thai đúng lịch, chăm sóc tốt quá trình thai nghén và phải sinh tại cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị tốt nhất. Bệnh nhân viêm màng não mủ có thể gây ra nhiều di chứng nguy hiểm về thần kinh. Vì vậy, sau khi điều trị khỏi, cha mẹ cần đưa trẻ tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện và có phương án điều trị kịp thời nếu không may gặp phải các di chứng thần kinh.