Nấm miệng là tình trạng nhiễm nấm ở vùng niêm mạc bao phủ bên trong khoang miệng, được gây ra chủ yếu do sự phát triển quá mức của nấm, chủ yếu là nấm Candida albicans, một loại nấm thường trú trong khoang miệng chúng ta.
Triệu chứng bệnh nấm miệng
Dấu hiệu đầu tiên khi bị nấm là xuất hiện những mảng, đốm trắng hình tròn, nhỏ giống như nổi cục bên trong lưỡi, vòm họng, má hoặc môi. Những đốm trắng này rất khó làm sạch. Sau khi cạo bỏ được những đốm này sẽ thấy bên trong miệng xuất hiện nhiều nốt đỏ. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn rất yếu nên dễ có nguy cơ mắc nấm hơn các lứa tuổi khác.
Những mảng này có thể không gây đau, tuy nhiên cũng có những trường hợp gây đau, khiến cho trẻ bứt rứt, khó chịu, quấy khóc. Khi bị nấm miệng mà không điều trị sớm, nấm mọc dày và có thể lây lan rất nhanh xuống cổ họng, thực quản, khí quản gây viêm phổi hoặc tiêu chảy ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.
Hình ảnh trẻ bị nấm miệng
Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi gây nấm miệng ở trẻ
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch yếu, suy giảm miễn dịch.
- Trẻ điều trị kháng sinh kéo dài.
- Trẻ ngậm, bú các dụng cụ như núm ti, ti giả…bị nhiễm nấm
- Trẻ sử dụng thuốc corticoid dạng hít mà không súc miệng sau khi sử dụng.
- Người mẹ bị nhiễm nấm sinh dục khi mang thai.
- Trẻ lây nhiễm nấm từ núm vú của người mẹ khi bú: Núm vú của người mẹ bị nứt, ngứa, bong tróc, viêm tấy đỏ.
Điều trị nấm miệng ở trẻ em
Nấm miệng rất dễ tái nhiễm, do đó khi thấy bé có các dấu hiệu trên trong khoang miệng thì mẹ cần đưa trẻ đi bác sĩ ngay để điều trị dứt điểm. Thông thường có 2 loại thuốc để điều trị nấm miệng ở trẻ nhỏ.
- Miconazole: Đây là một loại thuốc dạng gel rất dễ sử dụng, giúp tiêu diệt các tế bào nấm bên trong miệng bằng cách thoa gel lên các mảng trắng. Dùng ngón tay sạch, bôi đều kem lên bề mặt các mảng trắng, cố gắng như kem ở trong miệng càng lâu càng tốt. Dùng 3 lần/ngày sau bữa ăn, ít nhất là 7 ngày và tiếp tục 7 ngày sau khi các mảng trắng biến mất để ngăn ngừa tái phát.
- Nystatin: Đây là thuốc điều trị nấm rất hiệu quả với dạng viên uống được nghiền nát hoặc dạng bột hòa tan trong nước để tưa miệng cho trẻ. Bình thường nên tưa 3 lần/ngày trong vòng ít nhất là 7 ngày và nên kéo dài thêm 2 ngày sau khi các mảng trắng biến mất.
- Với bé trên 3 tháng có thể sử dụng (micronazone 2%).
- Ngoài ra, có thể vệ sinh miệng trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc nước rau ngót dã trước khi tưa miệng
Phòng bệnh cho trẻ
Đối với trẻ đang bú mẹ:
- Giữ vệ sinh miệng cho bé thật sạch sẽ, thường xuyên tưa lưỡi cho bé.
- Vệ sinh núm vú của mẹ và các bình sữa, bình nước, núm ti giả thường xuyên bằng cách ngâm nước nóng trước và sau khi bé bú xong.
- Người mẹ cũng sẽ điều trị cùng theo chị định bác sỹ nếu nghi ngờ ti mẹ nhiễm nấm ở trẻ bú mẹ.
Đối với trẻ lớn
- Súc miệng sạch sau khi ăn.
- Đánh răng đều đặn mỗi ngày.
- Súc miệng sau khi sử dụng corticoid dạng hít.
Một số chú ý
- Không sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể chứa bào tử vi khuẩn clostridium botulinum gây nguy hiểm cho trẻ.
- Nếu bé sử dụng corticoid loại hít hoặc khí dung thì mẹ nên cho bé súc miệng hoặc vệ sinh miệng bé bằng nước muối sinh lý sau khi sử dụng thuốc.
- Cho bé ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất tăng sức đề kháng cho bé.
BSCKI: Lương Thị Lệ Quyên - Khoa HSSS