Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 90
  • Trong tuần: 6 126
  • Tất cả: 1383738
Chăm sóc và phòng bệnh Tay – Chân – Miệng

Bệnh Tay- Chân- Miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm gây dịch, do một số virus đường ruột gây ra và lây lan theo đường tiêu hóa, trẻ dễ bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân hoặc chất nôn của trẻ bị bệnh.

Bệnh lây trực tiếp từ người sang người, thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ em, đặc biệt bệnh thường gây thành dịch ở các nhà trẻ, mẫu giáo.

Bệnh Tay- Chân- Miệng được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước ở chân, tay, miệng.

 

Hình 1: Bệnh Tay- Chân- Miệng

Biểu hiện của bệnh Tay – Chân – Miệng

- Thời kì ủ bệnh từ 3 đến 7 ngày, 1 đến 2 ngày đầu của bệnh trẻ xuất hiện các dấu hiệu như sốt nhẹ, quấy khóc, đau họng, biếng ăn, ỉa phân lỏng.

- Những ngày tiếp theo tại vị trí miệng, lưỡi có các nốt loét đỏ hoặc phỏng nước gây đau miệng khiến trẻ ăn uống khó khăn có thể bỏ ăn hay bỏ bú, tăng tiết nước bọt, chảy dãi nhiều. Tại các vị trí lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông xuất hiện các nốt phỏng nước.

- Trẻ được chẩn đoán và điều trị theo đúng phác đồ sau 3 đến 5 ngày có thể hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

- Trẻ bị bệnh Tay – Chân – Miệng không được theo dõi điều trị kịp thời có thể mắc một số biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp.

Hình 2: Hình ảnh những vị trí mụn phổng nước hay mọc

Chăm sóc trẻ bị Tay – Chân – Miệng

- Khi trẻ bị bệnh cha mẹ nên cách ly trẻ theo đường tiếp xúc, hạn chế cho trẻ ra ngoài tránh lây nhiễm cho trẻ khác.

- Chỉ sử dụng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ và hướng dẫn của nhân viên y tế.

- Vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn hoặc rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ.

- Cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, chia nhỏ bữa ăn, uống nhiều nước, ăn quả tăng cường vitamin, với trẻ bú mẹ cần tăng cường cữ bú.

- Vệ sinh miệng sau khi ăn và bôi thuốc vùng miệng theo đơn hướng dẫn của bác sĩ (trước khi ăn 30 phút).

- Tắm rửa sạch sẽ, lau khô người, chấm thuốc sát khuẩn lên các nốt phỏng nước, cho trẻ mặc đồ vải mềm rộng rãi, thấm hút mồ hôi.

- Cha mẹ theo dõi sát tình trạng của trẻ nếu thấy trẻ sốt cao, dùng hạ sốt không đỡ, mệt mỏi, bỏ ăn, giật mình, thở nhanh, khó thở nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Cách phòng tránh bệnh Tay – Chân – Miệng cho trẻ

Bệnh TCM hiện tại chưa có vacxin phòng bệnh, vì vậy các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý đến các biện pháp phòng tránh cho trẻ:

- Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với chất thải của trẻ.

- Rửa sạch đồ chơi, lau sàn nhà sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn thích hợp.

- Không cho trẻ bị bệnh tới nhà trẻ, nơi tập chung đông người hoặc tiếp xúc với các trẻ khác.

Bệnh Tay- Chân- Miệng là bệnh hay gặp ở trẻ em nếu được phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc kịp thời thì trẻ sẽ hoàn toàn phục hồi trong vòng 8-10 ngày. Tuy nhiên nếu để xảy ra các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp có thể dẫn tới tử vong. Do đó các bậc cha mẹ cần chăm sóc, phòng bệnh tốt cho trẻ, cho trẻ đi khám và điều trị kịp thời khi có những dấu hiệu bất thường./.

CNĐD: Đỗ Phương Thảo- Khoa Truyền nhiễm

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image