Thời gian qua, khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi đã tiếp nhận nhiều trẻ em có biểu hiện của dị ứng thức ăn, với một số triệu chứng nổi bật như người đột nhiên nổi mẩn đỏ, sẩn ngứa, quấy khóc… khiến các bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng. Dị ứng không chỉ gây tổn hại tới sức khỏe của trẻ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của trẻ. Vậy dị ứng thức ăn là gì? Có nguy hiểm không? Và các bậc cha mẹ nên làm gì khi con bị dị ứng? Tất cả đều được giải đáp qua bài viết dưới đây:
Dị ứng là gì?
Dị ứng thức ăn là triệu chứng của hệ miễn dịch cơ thể phản ứng với những thực phẩm không hợp với cơ thể. Ở những trẻ có cơ địa dị ứng – là những trẻ thường có nồng độ kháng thể IgE trong máu cao hơn bình thường.
Các kháng thể IgE còn gọi là kháng thể gây dị ứng bám trên bề mặt tế bào bạch cầu có tên là mastocyte còn gọi là dưỡng bào, chứa nhiều túi nhỏ bên trong có nhiều hóa chất trung gian như histamine, serotonin,…
Trong thức ăn có những protein “lạ” là những dị nguyên (allergen) khi hấp thu vào máu, gắn vào kháng thể IgE kích thích dưỡng bào phóng thích các túi chứa histamin, serotonin,… đi vào trong máu, gây ra triệu chứng dị ứng như ngứa mắt, họng khô, phát ban, buồn nôn, khó thở, và thậm chí là gây phản vệ.
Dị ứng có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Triệu chứng dị ứng thức ăn thường đa dạng, biểu hiện ở nhiều cơ quan như da niêm mạc, hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh..
Dị ứng thức ăn là một tình trạng thường gặp ở trẻ em, tình trạng này có thể biểu hiện từ thoáng qua như mẩn ngứa ít, tới nặng nề cấp tính như phản vệ độ III -IV.
Một số những loại thức phẩm thường gây dị ứng cho trẻ cần lưu ý :
Trứng, cá, tôm, cua, ghẹ, trai, điệp, hào sò, vẹm (đồ biển), phấn hoa, phấn côn trùng, mỹ phẩm, lông vật nuôi, lạc, ngũ cốc có chứa gluten (lúa mì, mạch đen, yến mạch và lúa mạch), các chất bảo quản thường sử dụng trong một số thức ăn và đồ uống, mì chính…. Một số trẻ nhỏ có tình trạng dị ứng với sữa.
Hình ảnh minh họa trẻ bị dị ứng thức ăn
Cách xử trí cho trẻ dị ứng
- Nguyên tắc là LOẠI BỎ TIẾP XÚC GIỮA NGUYÊN NHÂN GÂY DỊ ỨNG VÀ TRẺ.
- Vì vậy khi trẻ có biểu hiện dị ứng như (mề đay, ho, khàn tiếng, đau bụng…. hoặc biểu hiện bất thường đột ngột) cha mẹ cần loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng nghi ngờ đang tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Sau đó khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời điều trị. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng các thuốc dị ứng uống hoặc tiêm.
Với những trường hợp ở quá xa cơ sở y tế, mà trẻ chỉ có mẩn ngứa, mề đay dạng nhẹ trên da, các bậc phụ huynh có thể chuẩn bị sẵn thuốc bôi Phenergan trong tủ thuốc để sử dụng cho trẻ, nhưng sau đó 04h-06h tình trạng mẩn ngứa vẫn còn hoặc gia tăng thì bắt buộc phải đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Trên thực tế, đa phần trường hợp dị ứng thức ăn ở trẻ sẽ thay đổi sang dung nạp thức ăn khi trẻ lớn lên, tức là tình trạng dị ứng thức ăn không tồn tại đến cuối đời. Tuy nhiên khi nào cần đánh giá trẻ còn dị ứng thức ăn không? Hay khi nào nên cho trẻ ăn lại với thức ăn có nghi ngờ dị ứng trước đó?
Thuốc bôi Phenergan
Đây là những câu hỏi mà các bậc cha mẹ nên gặp các bác sỹ chuyên khoa về dị ứng để được tư vấn và đánh giá cho trẻ.
Ths. Bs Vũ Thị Hải Yến – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu