Khóc dạ đề (còn gọi là Colic) là tình trạng quấy khóc thường xuyên, kéo dài và dữ dội ở trẻ khỏe mạnh. Trẻ thường khóc trên 3 giờ/ngày, 3 ngày/tuần và kéo dài hơn hoặc bằng 3 tuần.
Colic có thể ảnh hưởng tới cha mẹ của trẻ vì trẻ quấy khóc không rõ nguyên nhân và không thể dỗ được. Hơn nữa, những đợt quấy khóc thường xảy ra vào buổi tối, trùng với giai đoạn mệt mỏi của bố mẹ trẻ.
Ảnh: Internet
1. Triệu chứng của khóc dạ đề
Khoảng 1/5 trẻ khi sinh ra có thể có Colic, thường xuất hiện ở tuần tuổi thứ 2 đến tuần tuổi thứ 4 của trẻ, mức độ nặng nhất lúc 6 tuần tuổi và giảm dần khi trẻ 3 tháng tuổi. Trẻ thường khóc lóc vô cớ, la hét, duỗi thằng hoặc co chân lên. Bụng của trẻ có thể chướng hoặc đầy hơi. Những cơn khóc có thể xảy ra cả ngày và thường bắt đầu vào đầu buổi tối.
2. Biến chứng của Colic
Colic không gây ra các vấn đề sức khỏe trong ngắn hạn và dài hạn cho trẻ
Colic thường gây stress cho bố mẹ. Nhiều nghiên cứu thấy rằng có mối liên hệ giữa colic và các vấn đề của bố mẹ trẻ:
- Tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh của bà mẹ
- Ngừng cho con bú sớm
- Cảm giác tội lỗi, bất lực, kiệt sức hoặc tức giận
3. Làm gì khi con bạn bị Colic
Hiện không có biện pháp điều trị cho Colic, bạn chỉ có thể chờ tình trạng đó hết, tuy nhiên một vài việc bạn có thể làm để cải thiện tình hình:
- Liên hệ với bác sĩ để chắc chắn rằng trẻ khóc không liên quan đến bất kì vấn đề sức khỏe y khoa cần phải điều trị.
- Cố gắng hạn chế các chế phẩm chứa cà phê, hành và bất kì loại thức ăn nào gây kích ứng, gây mùi ra khỏi chế độ ăn của người mẹ.
- Nếu bạn nuôi trẻ bằng sữa công thức, hãy trao đổi với bác sĩ về sữa thủy phân protein, nếu nhạy cảm thức ăn là nguyên nhân của sự không thoải mái, Colic sẽ giảm vài ngày sau khi thay đổi chế độ ăn
- Không cho trẻ ăn quá nhiều: Việc ăn quá no sẽ làm trẻ khó chịu. Bình thường, cố gắng cho trẻ ăn mỗi 2,5-3 giờ.
- Sự di chuyển và tiếp xúc với cha mẹ có thể làm trẻ yên tâm hơn, mặc dù trẻ vẫn chưa hết khóc.
- Đặt đứa trẻ lên đùi của bạn và xoa nhẹ lưng trẻ. Việc này cũng có thể làm trẻ thoải mái hơn.
- Quấn trẻ trong một chiếc khăn lớn, mỏng có thể giúp trẻ cảm thấy ấm và yên tâm hơn.
- Khi bạn cảm thấy căng thẳng hoặc khó chịu, hãy nhờ một thành viên trong gia đình chăm sóc trẻ và ra khỏi phòng. Việc ra khỏi phòng trong 1 đến 2 giờ có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn..
4. Khi nào nên gặp bác sĩ
Khi trẻ khóc quá nhiều và không thể kiềm chế được có thể do Colic hoặc một tình trạng bệnh lý, do đau và không thoải mái. Cho trẻ gặp bác sĩ nếu đứa trẻ quấy khóc nhiều hoặc không có các triệu chứng và dấu hiệu của Colic.
BSCKI. Lương Thị Lệ Quyên - Khoa Hồi sức sơ sinh