Nhiều phụ huynh cảm thấy rất lo lắng khi trẻ xuất hiện những “khối” bất thường xuất hiện trên cơ thể, sau khi đưa trẻ đi khám được các bác sỹ chẩn đoán là hạch to hay sưng hạch.
Hạch to hay sưng hạch là gì?
Trong cơ thể người, ngoài hệ tuần hoàn động - tĩnh mạch còn có hệ tuần hoàn bạch huyết gồm các mạch bạch huyết (bạch mạch) và các hạch bạch huyết (hạch). Các hạch bạch huyết thường có hình tròn hoặc bầu dục, kích thước thay đổi tùy theo tuổi, tùy theo nhóm hạch. Hạch to khi hạch thượng đòn >0,5cm, hạch cổ và nách >1cm, hạch bẹn >1,5cm.
Cách phân chia và tiên lượng hạch
- Hạch to khu trú hay hạch to toàn thân;
- Hạch to cấp tính hay hạch to mãn tính (kéo dài trên 3 tuần).
1. Hạch to khu trú cấp tính
Đây là loại hạch thường gặp nhất ở trẻ, thường xuất hiện trong các bệnh nhiễm trùng cấp tính. Thường gặp như hạch góc hàm trong viêm loét miệng, viêm môi, kawasaki... hạch cổ trong viêm họng, viêm amydal cấp,... hạch sau tiêm lao phản ứng,...
2. Hạch to khu tru trú mạn tính
Thường gặp các bệnh mạn tính như lao, nhiễm các ký sinh trùng kỵ khí, một số ung thư.
3. Hạch to toàn thân
Nhiễm trùng toàn thân trong nhiễm trùng huyết, viêm màng ngoài tim bán cấp, viêm khớp dạng thấp, sốt rét,...
Tùy tình trạng lâm sàng của trẻ, tính chất hạch (khu trú, cấp tính, hay mạn tính, hạch di động hay không,...) mà các bác sỹ sẽ đưa ra các chỉ định cận lâm sàng tiếp theo cho bệnh nhân.
Sinh thiết hạch không phải là chỉ định bắt buộc, chỉ sinh thiết khi trẻ nghi ngờ có bệnh ác tính, trẻ sốt kéo dài, sụt cân, không giảm khích thước khi điều trị kháng sinh 2 tuần tích cực, hạch to không tìm được nguyên nhân sau 2 tuần.
Vậy nên hạch to cấp tính ở trẻ đa số là bệnh lành tính, tuy nhiên khi có bất kỳ đấu hiệu bất thường, nghi ngờ, tình trạng hạch sưng to, kéo dài, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế tin cậy để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
BS Mộc Thị Bích- Khoa Nhi