Lưu ý khi sử dụng điều hòa cho gia đình có trẻ nhỏ trong mùa hè
Ảnh: nguồn Internet
Một mùa hè lại đến, với màu hoa phượng đỏ đặc trưng, tiếng ve kêu và cảm giác nóng bức bao trùm. Nhiều gia đình lựa chọn sử dụng điều hòa trong thời tiết nóng bức nhưng với các gia đình có trẻ nhỏ, câu hỏi được các phụ huynh quan tâm nhất là “Nằm điều hòa có làm con dễ ốm?”. Vậy làm thế nào để sử dụng điều hòa đúng cách trong gia đình có trẻ nhỏ?
1. Cung cấp luồng khí sạch.
Điều hoà sau một mùa đông dài không sử dụng đến sẽ ẩn chứa rất nhiều các loại nấm mốc, vi khuẩn hay mầm bệnh lưu trú lâu ngày trong máy làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bé. Để tránh tình trạng này, điều hòa cần được vệ sinh sạch sẽ, bơm ga, rũ bỏ bụi trong tấm lưới lọc trước khi tái sử dụng.
Vệ sinh điều hòa sau thời gian dài không sử dụng
Nguồn: Internet
Không khí trong phòng cũng cần đảm bảo sạch bằng cách lau dọn phòng, bố trí đồ đạc gọn gàng để tránh vi khuẩn xâm nhập. Trong ngày khi thời tiết đỡ nóng bức (thường vào buổi sáng) bạn nên tắt điều hòa, mở cửa, bật quạt để đổi mới không khí.
2. Kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm phù hợp.
Nhiệt độ phòng lý tưởng là nhiệt độ khiến trẻ cảm thấy dễ chịu nhất, và không chênh lệch quá cao 6-7o C so với nhiệt độ bên ngoài.
Độ ẩm nên duy trì ở ngưỡng 40-60%.
Các mẹ có thể theo dõi bằng nhiệt ẩm kế để điều chỉnh nhiệt độ, chế độ làm mát và bình làm ẩm cho phù hợp.
Ảnh: Nhiệt ẩm kế. nguồn Internet
3. Không để điều hòa thổi thẳng vào người bé
Khi ngồi ở vị trí trước quạt các mẹ sẽ cảm nhận được mũi và họng mình dễ bị khô, đau. Việc nằm đối diện với luồng gió của điều hòa cũng tương tự như vậy, kiến chúng ta dễ gặp phải các bệnh lý của đường hô hấp
Vị trí lắp đặt điều hòa nên ở trên cao, cửa gió của điều hòa không đặt trực tiếp hướng về phía trẻ nằm. Nên đặt ở tốc độ quạt gió thấp nhất và để ở chế độ quay.
4. Không thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Đối với trẻ nhỏ khả năng điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện. Thay đổi nhiệt khiến trẻ không kịp thích nghi có thể dẫn tới tình trạng bệnh lý.
Nếu muốn đưa trẻ ra ngoài, hãy tắt điều hòa, để trẻ tiếp tục ngồi trong căn phòng đó, sự tăng nhiệt độ dần của căn phòng sẽ giúp trẻ dễ thích nghi hơn. Khi nhiệt độ trong phòng gần với nhiệt độ ngoài trời, lúc đó mới nên đưa trẻ ra ngoài.
Mặt khác, khi bé ở ngoài trời nóng, ra nhiều mồ hôi, mẹ cũng nên lau mồ hôi cho con và để con ngồi nghỉ 3-5 phút ở nhiệt độ phòng bình thường, tránh cho bé vào ngay phòng điều hòa gió lạnh, nhiệt độ thấp đột ngột.
BS. Trần Thị Thu Trang - Khoa HSSS