08/04/2021
Một số lưu ý khi chẩn đoán thoát vị hoành ở trẻ em
Biểu hiện ở trẻ bị thoát vị hoành
Thoát vị hoành ở trẻ em là một bệnh lý bẩm sinh nguy hiểm. Ngay khi trẻ được sinh ra, các triệu chứng thoát vị hoành được biểu hiện ra ngoài gồm có:
- Trẻ xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp sớm, thở gắng sức, khó thở, tím tái sau khi sinh.
- Bụng trẻ bất thường do phần lớn ống tiêu hóa lên trên ngực.
- Khi khám trẻ phát hiện những bất thường như tim lệch phải, nghe phổi có nhiều tiếng bất thường.
Các phương pháp chẩn đoán thoát vị hoành
- Chụp XQ ngực bụng tư thế đứng là một trong những phương pháp được sử dụng nhiều nhất ở bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai hiện nay để chẩn đoán thoát vị hoành.
- Chụp XQ bụng có bơm thuốc cản quang tư thế đầu thấp hiện nay ít được áp dụng.
- Ngoài ra có thể sử dung siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính để phát hiện các tạng trong ổ bụng đi lên lồng ngực khí quản và phổi bị chèn ép.
Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh việc chụp cắt lớp là khó khăn vì trẻ khó hợp tác. Khi chụp cắt lớp phải phối hợp với gây mê và thời gian chụp kéo dài làm tăng tình trạng suy hô hấp của trẻ. Vì vậy, việc chụp XQ được ưu tiên hàng đầu kết hợp với siêu âm.
Việc chụp XQ phim ngực thẳng tư thế đứng là kỹ thuật có giá trị nhất với chẩn đoán thoát vị hoành.
Hình ảnh điển hình của thoát vị hoành là thấy các tạng nằm trong lồng ngực mà dễ thấy nhất là bóng khí của các quai ruột. Hình ảnh này đôi khi có thể nhầm với kén khí trong phổi.
Trong trường hợp nghi ngờ nên kết hợp với siêu âm sẽ thấy hình ảnh các tạng khác như gan lách tụy dạ dày nằm trong lồng ngực.
Một số hình ảnh thoát vị hoành trẻ sơ sinh:
Hình ảnh thoát vị hoành , các quai ruột chui qua lỗ thoát vị lên lồng ngực
Hình ảnh thoát vị dạ dày qua khe thực quản
Hình ảnh thoát vị hoành , các quai ruột chui qua lỗ thoát vị lên lồng ngực bên trái
Bs Đỗ Quốc Lập – Khoa CĐHA