Trong bối cảnh cả nước đang chung tay phòng chống đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trẻ em được nghỉ học và cách ly xã hội tại nhà. Nhiều gia đình khó khăn trong việc trông và dạy dỗ trẻ; phần lớn trẻ do ông bà chăm sóc, trẻ tự chơi. Đây là lúc các tai nạn sinh hoạt thường xảy ra do trẻ mải chơi, mải nô đùa, thiếu sự quản lý giám sát.
Một số tai sạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ
- Keo dán 502 dính vào mắt gây viêm kết, giác mạc.
- Viên chống ẩm trong bánh kẹo, đồ chơi bắn vào mắt gây bỏng mắt.
- Các chấn thương nô đùa, chạy ngã làm rách da, gẫy xương.
- Dị vật đường thở: nuốt đồng xu, nút áo, hạt quả..
- Bắn súng cao su, đạn nhôm, bi vào mắt…
Ngày 01/03/2020, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận bệnh nhi T.N.T. L , 04 tuổi, địa chỉ tại xã Yên sơn - huyện Bảo Yên. Bé bị anh trai bắn súng cao su vào vùng mắt, đạn là một viên bi. Nhập viện cấp cứu trong tình trạng mắt phải sưng đau, có vết thương thấu da trên cung mày, thị lực sáng tối (+), chụp X- quang có hình ảnh dị vật là viên bi tròn trong ổ mắt. BN đã được hội chẩn và chuyến cấp cứu tại Viện mắt Trung Ương.
Hình ảnh dị vật là viên bi tròn trong ổ mắt trên phim chụp X quang
Đến ngày 05/03/2020 , bệnh viện tiếp tục tiếp nhận 01 trường hợp là bệnh nhân T.S.T, 06 tuổi (Văn Bàn- Lào Cai) mắc dị vật tại cổ họng. Trước đó, cháu bé đã ngậm đồng xu (đồng sèng trong các trò chơi điện tử) nhưng do mải chơi đã nuốt xuống và mắc tại cổ họng. Được người nhà đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, không nói được. Trẻ được chụp phim X- quang có hình ảnh dị vật 1/3 trên thực quản. Bệnh nhân được hội chẩn và chuyển tuyến xử trí kịp thời.
Hình ảnh đồng xu mắc tại thực quản trên phim chụp X quang
Khuyến cáo dành cho các bậc phụ huynh
Vì vậy, các bác sỹ đặc biệt khuyến cáo đối với các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc và trông trẻ cần chú ý:
+ Có người lớn chăm sóc và trông coi trẻ tại nhà;
+ Không cho trẻ chơi những đồ vật sắc nhọn, kim loại, các đồ nhỏ dễ nuốt vào bụng (đồng xu, cúc áo, nhẫn…)
+ Bỏ ngay các đồ đạc đã qua sử dụng (Keo dán, gói chống ấm,..) không để trẻ tiếp cận.
+ Cất các đồ dùng, thuốc men,… tránh xa tầm với của trẻ.
Và điều quan trọng là khi xảy ra tai nạn cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí lấy dị vật kịp thời.
Ths. Bs Vũ Hồng Minh – Phó trưởng khoa KB