Ngày nay, hen phế quản chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong cộng đồng, tỷ lệ tử vong còn cao. Gánh nặng bệnh tật do hen phế quản ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của trẻ (nghỉ học do bệnh…) và gián tiếp tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của gia đình, xã hội.
Vậy hen phế quản là gì?
Hen phế quản là bệnh lý viêm mạn tính đường thở, có sự tham gia của nhiều loại tế bào, nhiều chất trung gian hóa học. Trẻ bị hen phế quản có biểu hiện ho, khò khè, khó thở lặp đi lặp lại, có đáp ứng với thuốc giãn phế quản.
Nguyên nhân và các yếu tố khởi phát
- Các loại dị nguyên (bụi nhà, phấn hoa, lông thú, vi khuẩn, virus, nấm mốc, mạt nhà,…)
- Các chất kích thích: khói các loại (khói xe động cơ, bếp ga, than củi, than tổ ong…)
- Thay đổi nhiệt độ, thời tiết.
- Thuốc (aspirin, penicillin, acetylcysteine,…)
- Tình trạng quá sức, gắng sức, cảm xúc lo lắng, stress,…
Yếu tố thuận lợi
- Nhiễm trùng đường hô hấp, một số virus đáng chú ý RSV (virus hợp bào đường hô hấp), Rhinovirus, Adenovirus, Arbovirus,…
- Suy dinh dưỡng, béo phì
- Ô nhiễm môi trường.
- Hương khói các loại, đặc biệt là khói thuốc lá.
Biểu hiện trẻ bị viêm phế quản
- Ho khó thở tăng về đêm.
- Khò khè, khó thở tái phát nhiều lần.
- Cảm giác nặng ngực.
Các biểu hiện trên thường xuất hiện tăng về đêm và sáng sớm, hoặc sau khi vận động, gắng sức, tiếp xúc với dị nguyên, thay đổi thời tiết,…thường người bệnh có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc các bệnh dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mùa xuân, viêm da cơ địa.
Phòng ngừa và kiểm soát cơn hen cấp
- Tránh xa và hạn chế tiếp xúc với các tác nhân khởi phát cơn hen.
- Cần có chế độ dinh dưỡng rèn luyện để cải thiện sức khỏe, chức năng hệ hô hấp.
- Sử dụng thuốc Singulair để phòng hen
- Sử dụng thuốc đường hít sớm và đúng cách: là cách đưa thuốc trực tiếp vào đường hô hấp bằng các dụng cụ bơm xịt, bình hít bột khô, ở trẻ em dùng máy khí dung, buồng đệm.
+ Ưu điểm của phương pháp này là giảm bớt khó thở chỉ sau 2 - 5 phút. Các thuốc có thể sử dụng trong trường hợp này là thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn như Salbutamol hoặc Formoterol.
+ Người có cơn hen nên dùng thuốc đường hít sớm ngay khi có triệu chứng đầu tiên vì để càng muộn thì khả năng cắt cơn hen càng thấp.
- Áp dụng các biện pháp hỗ trợ nghỉ ngơi.
Nếu cơn khó thở không hết sau 3 lần xịt thuốc hoặc cơn chỉ lui tạm thời trong vài tiếng rồi trở lại thì bệnh nhân nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hoặc đến phòng cấp cứu ngay để được điều trị triệt để.
CNĐD Hoàng Thị Quanh – Khoa Nhi