Nhiễm
trùng rốn là loại nhiễm trùng hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh và dễ tiến triển
nặng. Đặc biệt, nhiễm trùng rốn do uốn
ván là một bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao, nếu cứu sống cũng dễ để lại di chứng
nặng nề. Vì vậy, nhận biết và điều trị sớm các dấu hiệu nhiễm trùng rốn là rất
cần thiết đề phòng nhiễm khuẩn huyết, giảm tử vong và biến chứng nặng cho trẻ.
Nhiễm
trùng rốn là nhiễm trùng cuống rốn sau khi sinh, nhiễm trùng có thể khu trú tại
vị trí cuống rốn hoặc lan rộng, không còn ranh giới bình thường giữa da và niêm
mạc rốn chỗ thắt hẹp, vùng sung huyết lan rộng ra thành bụng kèm phù nề, rỉ
dịch hôi, đôi khi có mủ.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng
rốn sơ sinh là gì?
- Ngay
tại chân rốn của trẻ sơ sinh bị đỏ và sưng.
- Tại
vùng rốn của trẻ sơ sinh có tiết ra chất dịch mủ có mùi hôi hoặc rốn vẫn còn
ướt sau khi rụng.
- Đỏ
vùng da xung quanh rốn.
- Rốn
chảy máu.
- Ngoài
ra còn có một số dấu hiệu khác kèm theo như: Trẻ sốt cao trên 38 độ C, thở
nhanh, da vàng tái, bỏ bú hoặc bú kém.
Nguy cơ biến chứng của nhiễm
trùng rốn
Rốn
là con đường di chuyển các chất dinh dưỡng và oxy từ bánh rau của người mẹ đến
thai nhi và dây rốn cũng nối thẳng vào gan của trẻ . Chính vì vậy, một khi rốn
bị nhiễm trùng sẽ đi đến gan rất
nhanh,thậm chí vào máu gây nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh, đặc biệt nguy cơ tử
vong ở trẻ rất cao (từ 40-80%). Bên cạnh đó, nhiễm trùng rốn xảy ra trên cơ địa
một em bé sinh non nhẹ cân sẽ nặng nề hơn, hoặc một em bé đẻ tại nhà khả năng
uốn ván rốn là rất cao.
Hướng dẫn cách chăm sóc rốn
cho trẻ sơ sinh
Tiến
hành chăm sóc, vệ sinh rốn với trẻ sơ sinh chưa rụng cuống rốn hoặc đã rụng
cuống rốn nhưng rốn còn tiết dịch và nhiễm trùng.
- Chuẩn
bị: Dung dịch sát trùng alcohol 70 độ hoặc Povidine 2-3 %, bông gạc vô trùng và
chén đựng bông gạc.
- Cách
thực hiện chăm sóc rốn:
B1: Rửa
tay thật sạch, chăm sóc rốn sau khi tắm trẻ.
B2: Một
tay dùng gạc vô trùng nâng dây rốn lên, quan sát chân rốn, dây rốn, nhận biết
các dấu hiệu bất thường: Rốn tiết dịch, có mủ, vùng da quanh rốn sưng đỏ.
B3: Dùng
bông gạc vô trùng tẩm dung dịch sát trùng lau sạch vị trí xung quanh chân rốn, từ
chân rốn lên dây rốn, sau đó từ chân rốn ra vùng da xung quanh rốn.
Lưu ý:
- Bình
thường rốn của trẻ sơ sinh sẽ rụng trong vòng 7-10 ngày sau sinh và sau 15 ngày
thì cuống rốn phải liền hoàn toàn. Cha mẹ cần giữ rốn và vùng xung quanh sạch, khô
cho đến khi cuống rốn rụng.
- Cần
chăm sóc rốn mỗi ngày từ 1-2 lần hoặc vệ sinh ngay sau khi rốn bị nhiễm bẩn.
- Khi
quấn tã cho trẻ nên để hở phần rốn ra ngoài, mặc tã dưới rốn để không khí có
thể lưu thông. Hạn chế sờ, đụng vào cuống rốn và vùng xung quanh rốn để tránh
nhiễm trùng từ bàn tay không sạch.
- Vẫn
tiếp tục chăm sóc sau khi rốn đã rụng cho đến khi chân rốn khô, không còn tiết
dịch. Trong trường hợp rốn lâu rụng thì nguyên nhân thường gặp là nhiễm trùng
rốn (cần chăm sóc rốn nhiều lần trong ngày) hoặc tồn tại mô hạt rốn (cần chấm
Nitrate bạc mỗi ngày hoặc đốt điện nếu chồi rốn to).
Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y
tế khám khi nào?
- Rốn
rỉ dịch mủ vàng hôi hoặc chảy máu.
- Da
vùng xung quanh rốn sưng nề đỏ.
- Rốn
rỉ dịch kéo dài sau khi đã rụng hơn 2 ngày.
- Trẻ
có các biểu hiện:Sốt,thở nhanh,bỏ bú hoặc bú kém.
Hình ảnh: Quy trình lành vết thương rốn ở trẻ sơ sinh
Lời khuyên phòng nhiễm khuẩn
rốn dành cho mọi bà mẹ
- Không
được băng kín rốn làm cho rốn bị ẩm ướt, khó thoát ẩm tạo điều kiện thuận lợi
cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng.
- Cần
tắm cho trẻ và chăm sóc rốn cho trẻ hàng ngày.
-
Hạn chế sờ, đụng vào cuống rốn và vùng xung quanh rốn để tránh nhiễm trùng từ
bàn tay không sạch.
-
Tuyệt đối không nên tự ý sinh con tại nhà, không cắt rốn bằng dụng cụ chưa tiệt khuẩn.
- Bà mẹ cần tiêm phòng uốn ván trong thời kỳ mang thai để
phòng uốn ván cho trẻ sơ sinh.
Và
điều quan trọng là các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu phát hiện
bé có các biểu hiện nhiễm khuẩn rốn để được xử trí kịp thời.
BSCKI Nhi Lương Thị Lệ Quyên – Khoa Hồi sức sơ sinh