Vắc xin BCG là gì?
Vắc xin tiêm phòng bệnh lao được biết đến với tên gọi là vắc xin BCG (Bacille Calmette- Guerin). Vắc xin BCG có chứa một dạng vi khuẩn gây bệnh lao đã được làm cho yếu đi và nó không còn khả năng gây bệnh lao cho người khỏe mạnh mà còn giúp hình thành sự bảo vệ (kháng thể) đối với bệnh lao. BCG hoạt động tốt nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và đặc biệt hiệu quả với phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm bao gồm lao màng não với độ bảo vệ hơn 70%. Chỉ cần tiêm chủng vắc xin một liều duy nhất, không khuyến khích tiêm các liều bổ sung.
Đối tượng nào cần tiêm vắc xin BCG?
Vắc xin tiêm phòng lao nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chỉ cần tiêm một mũi duy nhất cho các trẻ không có chống chỉ định hay cần tạm hoãn tiêm phòng trong vòng 1 tháng đầu sau sinh.
Trẻ nào không được tiêm hoặc cần trì hoãn tiêm?
- Trẻ có cân nặng dưới 2500 gr
- Trẻ có tình trạng bệnh cấp cứu. Chỉ tiêm phòng khi nào sức khỏe của trẻ ổn định.
- Trẻ sốt >37,50C hoặc hạ thân nhiệt < 35,50C . Chỉ tiêm chủng khi thân nhiệt của trẻ ổn định.
- Trẻ có tuổi thai dưới 34 tuần, tạm hoãn tiêm vắc xin BCG. Tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi.
- Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh.
- Trẻ sơ sinh có mẹ dương tính với HIV và kết quả xét nghiệm HIV của trẻ vẫn chưa biết.
Diễn biến sau tiêm phòng lao
Vắc xin BCG được tiêm một lượng nhỏ (0,1ml) vào lớp trên cùng của phần da (trong da) bắp tay trái. Ngay sau khi tiêm thường xuất hiện một nốt nhỏ tại vị trí tiêm và nó thường biến mất sau khoảng 30 phút. Sau 2 tuần, chỗ tiêm có thể xuất hiện một vết loét đỏ. Tuy nhiên vết thương này sẽ tự lành và để lại sẹo nhỏ đường kính khoảng 5 mm. Điều này cho thấy trẻ đã có miễn dịch.
Tác dụng phụ hay gặp sau tiêm phòng
- Tại chỗ tiêm: đau, sưng, nóng đỏ.
- Toàn thân: Trẻ sốt nhẹ, bú kém, quấy khóc, thường sẽ hết sốt sau một hai ngày.
- Áp xe: là hiện tượng nhiễm trùng mưng mủ, ổ áp xe là những ổ viêm có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau.
- Có rất ít phản ứng nặng sau tiêm BCG. Khoảng 1/1.000.000 trường hợp nhiễm lao sau tiêm BCG, hay xảy ra ở những trường hợp nhiễm HIV hoặc những trường hợp thiếu hụt miễn dịch nặng.
- Viêm hạch bạch huyết (nổi hạch nách)
Làm sao để biết hạch ở nách là hạch phản ứng với tiêm phòng lao hay do bệnh khác ?
Sau tiêm phòng BCG, nếu trẻ bị nổi hạch ở nách thì nghĩ nhiều tới viêm hạch phản ứng do BCG khi hội tụ những điều kiện sau đây:
- Hạch ở nách cùng bên với bên tiêm phòng lao (bên trái).
- Xuất hiện trong vòng 2 tuần đến 6 tháng kể từ ngày tiêm phòng lao.
- Tuổi đứa trẻ dưới 2 tuổi.
- Không có sốt hoặc triệu chứng toàn thân khác.
- Không đau khi ấn trên bề mặt hạch.
- Hay gặp nhất là hạch ở nách tuy nhiên có thể gặp hạch cổ hoặc thượng đòn
- Hạch tròn, nhẵn, chắc, di động và không đau.
- Hạch viêm phản ứng sau tiêm phòng lao đa số là lành tính. Hạch có thể tự biến mất, một số trường hợp hóa mủ và số ít bị vôi hóa.
Hình ảnh hạch nách sau tiêm phòng lao
Xử lý hạch này như thế nào?
Nếu hạch không hóa mủ, chúng ta chỉ cần theo dõi, hạch sẽ biến mất một cách tự nhiên trong vòng 4-6 tháng. Nếu hạch tồn tại dai dẳng trên 6-9 tháng không hết và kích thước lớn hơn 3 cm thì cân nhắc phẫu thuật nạo hạch. Trong quá trình theo dõi, nếu hạch hóa mủ thì xử trí như tình huống hóa mủ. Nếu xuất hiện các dấu hiệu toàn thân: sốt, sụt cân, hạch nổi vùng xa, gan lách to… cần đi khám ngay.
Nếu hạch hóa mủ, có thể dùng kim chọc hút dịch mủ ra, có thể chọc hút 2 lần. Nếu vẫn thất bại thì cân nhắc phẫu thuật .
Những điều không nên làm
Dùng kháng sinh: Không có chỉ định các kháng sinh chống lao. Nếu bị bội nhiễm do tụ cầu hay liên cầu mới dùng kháng sinh.
Không nên rạch dẫn lưu mủ thường quy vì có thể dẫn tới làm chậm lành vết thương, kéo dài thời gian chảy mủ và để lại sẹo xấu.
Phẫu thuật cắt bỏ hạch phải thật cân nhắc, sau khi thất bại với liệu pháp chọc hút mủ 2 lần thì cân nhắc phẫu thuật, vì những nguy cơ liên quan tới gây mê và biến chứng của phẫu thuật.
Hiện tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã triển khai tiêm phòng lao cho các em bé trong vòng 24h sau đẻ. Các mẹ sau khi tiêm phòng lao thấy con có vấn đề bất thường như sốt, loét tại chỗ tiêm hay nổi hạch cũng không nên quá lo lắng, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
Hình ảnh tiêm phòng lao tại phòng tiêm chủng Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai
BSCKI Lương Thị Lệ Quyên – Phụ trách khoa HSSS