Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 140
  • Trong tuần: 6 176
  • Tất cả: 1383788
Phòng bệnh uốn ván sơ sinh


         Uốn ván rốn sơ sinh là một bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra.Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua vết cắt rốn do các dụng cụ đỡ đẻ hoặc tay người hộ sinh không được diệt khuẩn. Hiện nay, do công tác tiêm chủng mở rộng tốt hơn nên bệnh uốn ván rốn giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, hàng năm khoa Hồi sức sơ sinh - Bệnh Viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai vẫn tiếp nhận một số bệnh nhân uốn ván rốn sơ sinh do các em bé được sinh tại nhà và cắt rốn bằng dụng không vô khuẩn.

Triệu chứng của uốn ván rốn sơ sinh

- Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 3-10 ngày. Nếu thời kỳ ủ bệnh càng ngắn, bệnh càng nặng. Trong thời gian này trẻ có thể vẫn ăn, ngủ bình thường, đôi khi trẻ có quấy khóc.

- Thời kỳ khởi phát: Thời kỳ khởi phát rất ngắn, kéo dài từ vài giờ tới một ngày. Trong giai đoạn này biểu hiện chính của trẻ là cứng hàm, bỏ bú, bú rất khó khăn, miệng chúm chím lại, quấy khóc nhiều.

- Thời kỳ toàn phát: Biểu hiện chính là các cơn co giật và co cứng cơ. Cơn co giật xuất hiện là đánh dấu giai đoạn toàn phát bắt đầu. Cơn co giật có thể tự nhiên hoặc từ các kích thích bên ngoài như: ánh sáng, tiếng động, khi thăm khám trẻ. Cơn co giật làm cho mặt trẻ nhăn nhúm, miệng chúm chím, sùi bọt mép, đầu ngửa, hai bàn tay nắm chặt, hai chân duỗi thẳng, khuỷu tay gấp áp sát vào người, trẻ ở tư thế ưỡn. Cơn co giật kéo dài từ vài phút đến vài giờ, nếu giật kéo dài trẻ có thể co thắt phế quản dẫn tới ngừng thở ngừng tim và tử vong. Co cứng cơ toàn thân xuất hiện sau cơn co giật đầu tiên và kéo dài trong suốt thời gian bị bệnh, giảm dần khi lui bệnh và hết hẳn sau khi khỏi bệnh một vài tuần. Ngoài ra trong thời kỳ toàn phát trẻ uốn ván thường sốt cao dao động từ 38oC- 40oC, sốt cao khiến trẻ co giật nhiều hơn và dễ tử vong.

 

Hình ảnh: Trẻ co cứng và co giật trong giai đoạn toàn phát

- Thời kỳ lui bệnh: Những trẻ qua được tuần thứ hai, thứ ba thường tiến triển tốt dần, cơn co cứng, co giật giảm dần. Trong thời gian này trẻ vẫn còn co cứng cơ toàn thần (tăng trương lực cơ), sau đó vài ngày trẻ có thể bú mẹ được. Nhưng từ 1,5 - 2 tháng trương lực cơ mới trở lại bình thường.

Uốn ván ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Đối với bệnh uốn ván thể nhẹ và không có bệnh phối hợp thì bệnh thường khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Hậu quả xấu nhất là trẻ tử vong ở những trường hợp uốn ván thể tối cấp hoặc tử vong trong những tuần đầu khi có bệnh phối hợp như nhiễm trùng huyết, viêm ruột hoại tử.

Làm gì khi phát hiện trẻ bị uốn ván?

Khi nghi ngờ trẻ bị uốn ván phải chuyển trẻ tới bệnh viện chuyên khoa để điều trị. Để giảm bớt cơn giật cho trẻ khi di chuyển bệnh nhi, cán bộ y tế cơ sở có thể tiêm thuốc an thần, di chuyển nhẹ nhàng, tránh tiếng động và ánh sáng.

Phòng tránh bệnh uốn ván bằng cách nào?

Để phòng ngừa bệnh uốn ván cần làm những việc sau:

- Phổ biến cho mọi người hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh, nguyên nhân gây ra bệnh để mọi người hiểu và có ý thức phòng ngừa bệnh.

- Mọi thai phụ phải định kỳ khám thai và đến đẻ tại cơ sở y tế, không được đẻ tại nhà.

- Cán bộ y tế phải thực hiện công tác vô khuẩn khi  đỡ đẻ, chăm sóc rốn sơ sinh phải rửa tay sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, sát khuẩn tay bằng cồn hay ngâm tay trong dung dịch sát trùng. Không băng rốn quá kín vì cuống rốn dễ giữ ẩm và lâu khô. Không nên cắt dây rốn quá dài, chỉ nên cắt cách cuống rốn từ 2-3 cm là đủ.

- Tiêm phòng vắc xin uốn ván rốn khi mang thai: Đối với sản phụ cần tiêm đủ 2 mũi uốn ván khi mang thai. Mũi thứ hai sau mũi thứ nhất một tháng và trước khi đẻ ít nhất 15-30 ngày. Vì người mẹ có thể truyền cho thai nhi lượng miễn dịch chống uốn ván cho đến tháng đầu sau đẻ. Nếu trẻ đẻ trong điều kiện không được vô khuẩn, đẻ rơi và người mẹ chưa được tiêm phòng uốn ván khi mang thai thì nên tiêm phòng uốn ván cho trẻ với SAT 1500 UI, tiêm bắp một lần sau đẻ.

BSCKI Lương Thị Lệ Quyên – K. Hồi sức sơ sinh

Lương Thị Lệ Quyên
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image