Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn khá thường gặp ở trẻ và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Rối loạn tăng động giảm chú ý đặc trưng bởi người bệnh không thể duy trì sự tập trung chú ý cần thiết vào một sự vật, một chủ đề, một công việc nào đó mà luôn thay đổi sự tập trung chú ý vào các sự vật kích thích xung quanh, dẫn đến hậu quả không hoàn thành mọi công việc nào đó khi được yêu cầu, được giao phó, kết quả học tập của trẻ ở nhà trường không đạt được như mong đợi.
Nguồn hình ảnh Internet
Nguyên nhân:
- Yếu tố con người: yếu tố gen, những anh chị em ruột của trẻ có rối loạn tăng động, có nguy cơ tăng gấp đôi mắc rối loạn này, tổn thương não trong thai kì, chu sinh.
- Yếu tố môi trường - xã hội: mẹ trong thời kỳ mang thai ngộ độc chì, thuốc diệt côn trùng, thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma túy.
- Trẻ em trong độ tuổi phát triển thường hoạt động quá mức và kém tập trung do sự thiếu hụt cảm xúc lâu dài, các sự kiện sang chấn tâm thần.
Biểu hiện lâm sàng:
- Nhóm triệu chứng giảm chú ý: trẻ không tập trung chú ý vào các chi tiết, phạm lỗi cẩu thả trong công việc, học tập, thường không lắng nghe những gì người khác nói, thường tránh né hoặc ghét các nhiệm vụ đòi hỏi phải duy trì những nỗ lực tinh thần như làm bài tập về nhà, thường dễ sao nhãng bởi các kích thích bên ngoài,...
- Nhóm triệu chứng tăng động: cử động chân và tay liên tục hoặc không ngồi yên, rời khỏi chỗ trong lớp học hoặc trong tình huống cần ngồi yên một chỗ, thường chạy quanh hoặc leo trèo quá mức như “gắn mô tơ”.
- Nhóm triệu chứng xung động: thường buột miệng nói khi câu hỏi chưa được đặt ra, không thể chờ đợi theo hàng hoặc tới lượt, ngắt lời và xâm nhập vào vấn đề của người khác.
- Các triệu chứng này thường xuất hiện trước 7 tuổi.
- Các triệu chứng thường phải xuất hiện trong nhiều môi trường như khu giải trí, trường học, ở nhà,...
Điều trị:
- Hóa dược là lựa chọn hàng đầu trong điều trị tăng động giảm chú ý:
+ Các thuốc kích thần: methylphenidate, amphetamin.
+ Các thuốc không kích thần: atomoxetin, clonidin.
- Can thiệp tâm lý xã hội cần phải được thiết lập cho từng trẻ:
+ Đào tạo các nhóm kỹ năng cho trẻ và gia đình trẻ bị ADHD
+ Trị liệu tâm lý cá nhân thích hợp. Sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức: giải thích cho trẻ hiểu việc cần làm, những hành vi tốt, hành vi không tốt. chia nhỏ nhiệm vụ thành nhiều bước, khen thưởng khi trẻ làm tốt,...
+ Hỗ trợ tư vấn cho gia đình cách quan tâm đến trẻ, dành nhiều thời gian cho trẻ, thống nhất cách nuôi dạy trẻ.
+ Trị liệu nhóm, tham gia các trò chơi giúp giải tỏa căng thẳng, học cách cư xử với bạn trong khi chơi.
Ngày này, tỉ lệ trẻ bị tăng động ngày càng gia tăng, vì vậy các bậc cha mẹ cần thường xuyên dành thời gian quan tâm đến trẻ, nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng trên, cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, đánh giá kịp thời.
BS Hà Phương Minh Lý – Khoa Nhi