Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 622
  • Trong tuần: 11 995
  • Tất cả: 1619919
Tiêm chủng cho trẻ sơ sinh


    Tại sao phải tiêm chủng cho trẻ sơ sinh sớm? Tiêm chủng cho trẻ sơ sinh thì cần tiêm những loại vắc xin gì? Tiêm ở đâu là an toàn nhất?...Là những câu hỏi mà tất cả các mẹ bỉm sữa đều băn khoăn.

Trẻ sơ sinh là trẻ từ 0 đến 28 ngày tuổi, có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, do đó rất dễ nhiễm bệnh. Tiêm chủng là cách tốt nhất để cơ thể trẻ chủ động phòng bệnh hiệu quả.

Trẻ sơ sinh cần tiêm những loại vắc xin nào?

 

Theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng trẻ sơ sinh được tiêm 2 loại vắc xin viêm gan B mũi 1 và lao.

- Vắc xin viêm gan B: Tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm chủng 1 mũi vắc-xin ngừa viêm gan B ngay sau khi chào đờitốt nhất là trong vòng 24 giờ sau sinh. Nhằm mục đích phòng chống lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con. Việc tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao. Hiệu quả phòng ngừa bệnh sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50 - 57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

- Vắc xin phòng lao (vắc-xin BCG) có tác dụng phòng bệnh lao rất mạnh, kích thích cơ thể đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, khiến phản ứng tuberculin trong da chuyển đổi từ âm tính sang dương tính chỉ sau 1 liều tiêm ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng lao trong tháng đầu tiên sau khi sinh, tiêm càng sớm càng tốt.

3 lưu ý trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng

- Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ nhằm hạn chế tình trạng nhiễm trùng;

- Trao đổi rõ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của trẻ để bác sĩ quyết định có nên tiêm chủng cho trẻ hay không;

- Mang theo sổ hoặc  phiếu tiêm chủng để bác sĩ tham vấn và đảm bảo thực hiện đúng lịch tiêm vắc xin cho trẻ;

- Trẻ sẽ được các bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm chủng.

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh

- Không tiêm vắc xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con.

- Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Tạm hoãn tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh trong trường hợp nào?

Trường hợp trẻ tiêm chủng tại các cơ sở ngoài bệnh viện, tạm hoãn tiêm chủng nếu trẻ:

- Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…). Chỉ tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.

- Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.

- Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách). Tiêm chủng khi thân nhiệt của trẻ ổn định.

- Trẻ có cân nặng dưới 2000g: chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.

- Trẻ sinh non có tuổi thai < 34 tuần: Nếu mẹ có HBsAg (-) tạm hoãn tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh, tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai). Nếu mẹ có HBsAg (+) hoặc mẹ không xét nghiệm chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.

- Trẻ sinh non có tuổi thai < 34 tuần tạm hoãn tiêm vắc xin BCG. Tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).

- Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, thần kinh, ung thư chưa ổn định: chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.

- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Trường hợp trẻ tiêm chủng tại bệnh viện, tạm hoãn tiêm chủng nếu trẻ:

- Có chỉ định cấp cứu. Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.

- Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách), tiêm chủng khi thân nhiệt của trẻ ổn định.

- Trẻ có tuổi thai < 28 tuần. Tiêm chủng vắc xin viêm gan B khi trẻ đủ 28 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).

- Trẻ có tuổi thai < 34 tuần tạm hoãn tiêm vắc xin BCG. Tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).

- Trẻ có cân nặng < 2000g mà mẹ có HbsAg (-). Trường hợp mẹ có HbsAg (+) hoặc không xét nghiệm cho mẹ thì cần tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ.

- Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).

- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Các trường hợp cần khám sàng lọc và tiêm chủng cho trẻ tại bệnh viện

- Trẻ có cân nặng < 2000g và mẹ có HBsAg (+) hoặc mẹ không xét nghiệm.

- Trẻ có tuổi thai < 34 tuần và mẹ có HBsAg (+) hoặc mẹ không xét nghiệm.

- Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, gan, thận, máu, thần kinh, ung thư, chưa ổn định.

Một số lưu ý khi khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện:

1. Trẻ có vàng da sơ sinh

- Không chống chỉ định và không tạm hoãn tiêm chủng đối với trường hợp vàng da sinh lý có nồng độ bilirubin huyết thanh ≤ 7mg/dL. Trong trường hợp không thực hiện xét nghiệm thì dựa vào phân vùng vàng da Krammer.

- Tạm hoãn tiêm chủng với trường hợp vàng da bệnh lý hoặc vàng da sinh lý có nồng độ bilirubin máu > 7mg/dL.

2. Trẻ đẻ non hoặc nhẹ cân so với tuổi, suy dinh dưỡng, mổ đẻ:

-  Không có chống chỉ định và không tạm hoãn tiêm chủng đối với trẻ có cân nặng ≥ 2.000g hoặc mổ đẻ. Thực hiện tiêm chủng đúng lịch cho trẻ.

- Không chống chỉ định và không tạm hoãn tiêm chủng vắc xin viêm gan B đối với trẻ sinh non có tuổi thai 28-36 tuần.

- Không chống chỉ định và không tạm hoãn tiêm chủng vắc xin BCG đối với trẻ sinh non có tuổi thai 34-36 tuần. Tính tuổi của trẻ để xác định ngày tiêm chủng theo ngày tháng năm sinh của trẻ.

3. Trẻ đang điều trị kháng sinh

Khám, đánh giá tình trạng bệnh lý, nếu trẻ không có chống chỉ định hoặc tạm hoãn: Thực hiện tiêm chủng cho trẻ theo lịch.

4. Trẻ nhiễm hoặc nghi nhiễm HIV nhưng chưa ở trong giai đoạn AIDS

Nếu trẻ không có các chống chỉ định hoặc tạm hoãn, tiêm chủng cho trẻ theo lịch kể cả vắc xin sống giảm độc lực.

5. Trẻ có bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, gan, thận, máu, ung thư, thần kinh

- Nếu tình trạng bệnh của trẻ đang ở giai đoạn ổn định, trẻ không ở trong tình trạng cấp tính, không có chỉ định can thiệp điều trị cấp cứu: Không chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm chủng. Thực hiện tiêm chủng cho trẻ theo lịch.

- Nếu trẻ thiếu yếu tố đông máu: truyền yếu tố đông máu bị thiếu trước khi tiêm chủng.

Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai, trẻ sơ sinh trước khi tiêm chủng tại bệnh viện sẽ được các bác sĩ chuyên khoa sơ sinh khám sàng lọc và tiêm phòng sớm 2 loại vắc xin phòng viêm gan B mũi 1 và lao góp phần phòng bệnh hiệu quả và an toàn. Sau tiêm chủng, trẻ sẽ được theo dõi tại bệnh viện giúp phát hiện sớm và xử trí nhanh, hiệu quả các phản ứng bất lợi.

Vì vậy, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai luôn là địa chỉ đáng tin cậy để các bậc cha mẹ lựa chọn tiêm chủng cho các bé sơ sinh.

BSCKI Nhi Hứa Thị Hồng Chuyên - Khoa HTSS

Hứa Thị Hồng Chuyên
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !