Sinh được một bé trai là niềm vui, niềm ao ước của rất nhiều gia đình. Để con yêu khỏe mạnh và phát triển toàn diện, các bậc cha mẹ quan tâm đến con hàng ngày để kịp thời phát hiện những bất thường trên cơ thể trẻ, đặc biệt là tại bộ phận sinh dục.
Những bất thường hay gặp ở bộ phần sinh dục của bé trai như: lưỡng tính bộ phận sinh dục, lỗ tiểu lệch thấp, hẹp bao quy đầu và tinh hoàn ẩn (hay còn gọi là tinh hoàn chưa xuống bìu).
Vậy tinh hoàn ẩn (tinh hoàn chưa xuống bìu) là gì?
Mọi bất thường trên đường đi xuống của tinh hoàn (nội tiết, cơ học, thần kinh) khiến tinh hoàn không xuống được bìu gọi là tinh hoàn ẩn. Đây là một trong những bất thường phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh nam.
Dấu hiệu nhận biêt trẻ bị tinh hoàn ẩn
Bình thường một bé trai sẽ có hai tinh hoàn hai bên của bìu, nếu phát hiện thấy ở tinh hoàn của con mình chỉ có một tinh hoàn hoặc không sờ thấy tinh hoàn nào ở bìu, bạn phải nghĩ đến con mình đang bị tinh hoàn ẩn và hãy đưa con tới cơ sở khám bệnh để kiểm tra
Các thể của tinh hoàn ẩn:
+ Tinh hoàn ẩn: Tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trên đường đi của nó (trong bụng, ống bẹn).
+ Tinh hoàn lạc chỗ: Sau khi di chuyển ra khỏi lỗ bẹn nông, tinh hoàn không đi xuống bìu mà lạc tới một vị trí khác (tầng sinh môn……).
+ Tinh hoàn lò xo: Là lúc sờ thấy tinh hoàn ở bìu, lúc không sờ thấy tinh hoàn ở bìu.
Phương pháp khám và chẩn đoán bệnh
Tại các cơ sở y tế, bác sỹ chuyên khoa sẽ thăm khám lâm sàng để chẩn đoán bệnh:
- Lâm sàng: Không sờ thấy tinh hoàn ở bìu hoặc lúc sờ thấy lúc không sờ thấy tinh hoàn ở bìu.
- Cận lâm sàng: Siêu âm thấy tinh hoàn không nằm ở bìu mà nằm ở một vị trí khác (ống bẹn, tầng sinh môn).
+ Trong trường hợp siêu âm không thấy tinh hoàn cần kết hợp CT scanner ổ bụng hoặc nội soi ổ bụng để chẩn đoán tinh hoàn nằm trong ổ bụng hay không có tinh hoàn.
- Tinh hoàn chỉ phát triển tốt nhất và đảm bảo chức năng sinh lý khi tinh hoàn nằm ở bìu (vì nhiệt độ ở bìu thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2oC, là nhiệt độ phù hợp để tinh hoàn phát triển). Tinh hoàn không nằm ở bìu sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra như: xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nguy cơ ung thư tinh hoàn, giảm khả năng có con….
Điều trị tinh hoàn ẩn ở trẻ em như thế nào?
- Nguyên tắc điều trị: phẫu thuật hạ tinh hoàn và cố định tại bìu.
- Thời gian phẫu thuật thích hợp nhất : Khi trẻ được 1 – 2 tuổi.
Sau 7 năm thành lập và phát triển, với đội ngũ bác sỹ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị, phòng phẫu thuật hiện đại. Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã phấu thuật và điều trị thành công cho hàng ngàn trẻ em bị bệnh tinh hoàn ẩn và cho kết quả rất tốt. Vì vậy, các bậc cha mẹ tại Lào Cai và các khu vực lân cận hoàn toàn yên tâm khi đưa con đến thăm khám và điều trị viện.
BS Đào Xuân Khuê- ĐD Lương Thị Hồng Tươi – ĐD Nguyễn Thị Phương Loan
– Khoa Ngoại Nhi LCK