Viêm cầu thận cấp là tình trạng viêm lan tỏa không nung mủ toàn bộ cầu thận của hai thận với biểu hiện hội chứng viêm cầu thận cấp: đái máu đại thể, phù, tăng huyết áp, thiểu hoặc vô niệu và có thể tăng urê huyết.
Nguyên nhân
- Viêm cầu thận cấp sau nhiễm trùng: bệnh thường xuất hiện sau nhiễm khuẩn họng hoặc ngoài da vi khuẩn thường là liên cầu tan huyết nhóm A (80%). Ngoài ra còn một số vi khuẩn, virus, ký sinh trùng khác như E.coli, phế cầu, sởi, quai bị, thủy đậu, rickettsia, viêm gan B, EBV, CMV, toxoplasma.
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Viêm mao mạch dị ứng
- Bệnh thận IgA
- Bệnh kháng thể kháng bào tương (ANCA)
- Kháng thể kháng màng đáy cầu thận...
Biểu hiện lâm sàng
- Huyết áp cao so với lứa tuổi
- Đái máu đại thể, nước tiểu có thể đỏ như nước rửa thịt, có thể màu như màu nước coca.
- Phù: thường phù kiểu thận là phù trắng, phù mềm, ấn lõm, phù từ trên xuống dưới, phù mi mắt, phù mặt đến phù chân, tay. Ở viêm cầu thận cấp thường phù kín đáo.
- Đái ít, vô niệu, thiểu- vô niệu kéo dài trên 3 ngày tiên lượng xấu.
- Các triệu chứng khác: sốt, ban da, loét miệng, đau khớp...
Xét nghiệm
- Nước tiểu: Hồng cầu niệu nhiều, có thể có trụ hồng cầu, trụ hạt. Hồng cầu niệu vi thể bao giờ cũng có, có thể kéo dài vài tháng.
- Máu: ure, creatinin máu có thể tăng trong suy thận, điện giải đồ, calci, bổ thể C3, C4.
- Xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân ASLO, IgA, ANCA, viêm gan B, C, EBV, CMV,...
- Cận lâm sàng khác như chụp Xquang ngực, siêu âm hệ tiết niệu.
Điều trị
- Chế độ nghỉ ngơi:
+ Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi trong thời gian bệnh tiến triển.
+ Hạn chế muối, nước: nước 400ml/m2/ ngày, muối ăn nhạt tuyệt đối trong thời gian còn phù.
+ Theo dõi lượng nước tiểu, huyết áp, cân nặng hàng ngày.
- Thuốc: lợi tiểu, kháng sinh, hạ áp, điều trị tăng kali máu.
Tiến triển
- 80-90% bệnh sẽ thoái lui trong 10 ngày đến 2 tuần. Trẻ đái nhiều,, phù giảm dần, huyết áp về bình thường, protein niệu và hồng cầu niệu có thể trở về bình thường sau vài tháng.
- Một số trường hợp có biến chứng suy tim cấp do cao huyết áp, suy thận cấp hoặc có thể tiến triển thành mạn tính.
Phòng bệnh
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh viêm nhiễm ngoài da và viêm họng.
- Đối với trẻ đã viêm cầu thận cấp, đề phòng tái phát hoặc viêm cầu thận mạn bằng cách điều trị kịp thời các ổ nhiễm khuẩn do liên cầu, giữ ấm tránh lạnh đột ngột.
BS Hà Phương Minh Lý – Khoa Nhi