Một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân nhập viện Sản Nhi Lào Cai do Adenovirus liên tục tăng. Các triệu chứng ban đầu rầm rộ, cấp tính: sốt cao, ho khan, thở khò khè, cùng với đó là triệu chứng viêm kết giác mạc của mắt và rối loạn đường tiêu hóa. Một số những người có thể nhiễm Adenovirus có biểu hiện nặng là khó thở.
Tổng quan về Adeno
Adenovirus thuộc họ Adenoviridae chia ra làm hai nhóm chính một nhóm gây bệnh ở chim và nhóm gây bệnh ở động vật có vú. Ở nhóm gây bệnh cho động vật có vú, bao gồm cả người thì người ta đã phân lập được 47 type Adenovirus ở người, một số loài động vật khác và Adenovirus gây bệnh cho người được chia làm 6 nhóm ký hiệu A- F dựa vào những đặc điểm sinh lý, sinh hoá và sinh học phân tử. denovirus có thể tồn tại và gây bệnh được khá lâu ở ngoại cảnh, ở nhiệt độ phòng có thể tồn tại trong vòng 30 ngày, 37oC sống được 15 ngày, 4oC chúng sống được nhiều tháng, -20oC sống được nhiều năm.
Adenovirus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể người (đặc biệt là ở trẻ em) như đường hô hấp, đường tiêu hoá, mắt...
Nguồn truyền nhiễm Adenovirus là bệnh nhân mang virus trong suốt thời kỳ mắc bệnh, người bệnh có thể bị lây do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; dịch tiết từ mắt, mũi, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp với đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm adenoviruses.
Một số triệu chứng gợi ý nhiễm Adenovirut:
Viêm họng cấp: Bệnh này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện như sốt, đau đầu, sưng họng, ho và chảy nước mũi, có thể kéo dài từ 7 đến 14 ngày.
Viêm họng kết mạc: Các triệu chứng giống viêm họng do Adenovirus nhưng kèm thêm viêm kết mạc biểu hiện kết mạc mắt đỏ, thường không đau, chảy dịch trong.
Viêm đường hô hấp cấp: Biểu hiện đau họng, sưng họng, hạch cổ sưng đau, sốt có thể cao đến 39oC, ho. Bệnh diễn biến cấp tính, khỏi nhanh sau 3 - 4 ngày.
Viêm phổi: Chiếm tỷ lệ 10% các trường hợp viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện bệnh xuất hiện đột ngột với sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mũi và các dấu hiệu tổn thương ở phổi, các tổn thương này có thể lan rộng, để lại di chứng và nghiêm trọng hơn là có thể gây tử vong.
Hình ảnh chụp Xquang phổi của bệnh nhân nhiễm Adenovirus
điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai
Viêm kết mạc: Viêm cấp tính kết giác mạc, kết mạc mắt đỏ, có thể một hoặc cả 2 bên, chảy dịch trong, dễ bị bội nhiễm vi khuẩn nếu không kiểm soát và can thiệp kịp thời.
Viêm dạ dày ruột: Bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều nước kéo dài khoảng 7 ngày, có kèm theo sốt, nôn, buồn nôn, các dấu hiệu viêm đường hô hấp và viêm kết mạc.
Virus này còn có thể là nguyên nhân gây viêm bàng quang chảy máu ở trẻ em, nhất là trẻ trai.
Hiện nay, bệnh do virus adeno gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị chính là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, nếu có bội nhiễm thì dùng thuốc kháng sinh.
Các biện pháp phòng bệnh
Cục Y tế Dự phòng cũng khuyến cáo người dân chú ý thực hiện đề phòng nhiễm Adenovirus:
- Giám sát kỹ càng về độ tiêu chuẩn môi trường công cộng tại bể bơi công cộng.
- Đảm bảo có đầy đủ nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt. Mùa mưa lũ, người dân nên khử trùng nước giếng bằng cloramin B.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tuyệt đối không sử dụng chung khăn mặt và giặt sạch khăn mặt thường xuyên để vi khuẩn không tích tụ.
Ths. BS Vũ Thị Hải Yến – Trưởng khoa HSCC