Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 15 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Chính vì vậy tiêm vắc xin phòng lao (BCG) cho trẻ sơ sinh sớm là cách giúp trẻ phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm, tránh những ảnh hưởng đến phổi, có thể gây tử vong.
Việt Nam đang sử dụng vắc xin phòng lao BCG và Bộ Y tế khuyến cáo tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng đến 1 năm sau sinh và cân nặng trên 2kg. Thực tế, với những trẻ sinh ra có đủ sức khỏe, phát triển ổn định, không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt thì thường được tiêm phòng lao càng sớm càng tốt, trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.
Việc chậm trễ tiêm vắc xin phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao hơn những trẻ đã được tiêm; thậm chí trẻ có thể nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh do lúc này hệ thống miễn dịch của trẻ còn yếu ớt nên không có đủ khả năng tự bảo vệ cơ thể trước mọi tác nhân xâm nhập – nhất là lao và các loại vi khuẩn khác. Cũng như các mũi tiêm phòng khác, phần lớn trẻ sau khi tiêm vắc-xin phòng lao không có phản ứng phụ nào đáng lo ngại.
Tuy nhiên, có hai biến chứng cần lưu ý đó là viêm loét tại chỗ tiêm kéo dài và sưng hạch dưới nách trái. Đặc biệt, khi phát hiện hạch ở nách trái của trẻ, hầu hết các bà mẹ đều rất lo sợ, cho rằng đó là một biến chứng rất nguy hiểm cần phải nhập viện ngay lập tức.
Viêm hạch nách sau tiêm phòng Vaccine Lao BCG là gì?
Viêm hạch BCG ở trẻ em là sự phát triển nhân rộng của hạch bạch huyết ở nách, cùng bên trên xương đòn, hoặc hạch ở cổ thấp sau khi tiêm chủng BCG có thể tự mất đi một cách tự nhiên hoặc tiến triển chậm gây mưng mủ và cần có sự can thiệp y tế kịp thời.
Đây là tình trạng đáp ứng viêm sau tiêm phòng lao, chứ không phải là HẠCH LAO trong bệnh lao hạch như mọi người vẫn nghĩ do đó điều trị sẽ không cần dùng thuốc chống lao.
Phân loại viêm hạch nách sau tiêm phòng Vaccine lao BCG
Hạch có 2 dạng hoá mủ và không hoá mủ.
+ Dạng không hoá mủ sẽ tiến triển kéo dài và teo nhỏ dần theo tuổi.
+ Dạng hoá mủ thì thường cần can thiệp điều trị.
Triệu chứng của viêm hạch nách sau tiêm phòng Vaccine Lao là gì?
- Hạch ở nách cùng bên với bên chích lao (bên trái);
- Xuất hiện trong vòng 2 tuần đến 6 tháng kể từ ngày chích lao;
- Tuổi trẻ dưới 2 tuổi;
- Không có triệu chứng toàn thân, không sốt hay sụt kí;
- Không đau tấy trên bề mặt hạch;
- Thường gặp nhất là hạch ở nách tuy nhiên có thể gặp hạch cổ hoặc trên đòn;
- Không phát hiện các dấu hiệu khác qua thăm khám, không nổi hạch ở xa (ví dụ hạch bẹn) hoặc to gan, lách…
- Hạch tròn, nhẵn, chắc, di động và không đau;
Hình ảnh minh hoạ (Internet)
Phương pháp điều trị
- Hạch không hoá mủ: chủ yếu điều trị bảo tồn và theo dõi. Thường diễn biến tự khỏi sau 6-9 tháng. Nếu hạch tiến triển hoá mủ hoặc nếu hạch to trên 3 cm, tồn tại kéo dài 6-9 tháng thì cân nhắc phẫu thuật.
- Hạch hoá mủ: Tiến triển của hạch sẽ to lên và hoá mủ. Có 2 hướng điều trị chính:
+ Thứ nhất: Chọc hút. Là hình thức hay được khuyến cáo do không để lại sẹo lồi và gây nhiễm trùng bội nhiễm khác. Quá trình trong và sau chọc hút có thể dùng kháng sinh uống phòng bội nhiễm.
+ Thứ hai: Mổ bóc tách hạch viêm. Đây là phương pháp triệt để nhất nhưng thường chỉ định sau khi chọc hút nhiều lần thất bại (thường trên 2 lần) hoặc tình trạng hạch viêm to tạo nhiều xoang bên trong, hoặc dai dẳng từ 6- 9 tháng, kích thước to trên 3 cm. Trong và sau mổ thì nên dùng kháng sinh phòng bội nhiễm.
Việc trẻ bị nổi hạch ở nách trái, tuy có thể chỉ là một phản ứng thông thường của con sau khi tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh lao. Nhưng cũng không ngoại lệ các nguyên nhân khác có thể làm xuất hiện hạch. Do đó khi hạch xuất hiện ở nách trẻ, sưng đau, hoặc tồn tại trong thời gian dài không biến mất,mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Nhi, để bé được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.
BS Nguyễn Tuấn Anh – Khoa Ngoại Nhi LCK