Xét nghiệm miễn dịch huyết thanh chẩn đoán bệnh giun đũa chó/ mèo và những điều cần biết
Hiện nay, nhiều gia đình và các bạn trẻ có xu hướng nuôi thú cưng như chó, mèo… trong nhà. Đây là những loài vật rất gần gũi với con người, đem lại niềm vui cho cả gia đình, trẻ nhỏ rất thích thú khi được chơi cùng chúng. Nhưng đây lại là nguy cơ gây mắc các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người đặc biệt là bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo.
1. Sơ lược về giun đũa chó/mèo
Toxocara canis (giun đũa ký sinh trên chó) và toxocara cati (giun đũa ký sinh trên mèo) là loài giun tròn ký sinh chủ yếu ở ruột non của chó/mèo. Chúng ký sinh và hoàn thành vòng đời sinh trưởng hoàn toàn trên chó/mèo. Con người chỉ là một vật chủ tình cờ (ký sinh lạc chủ) khi ăn phải thức ăn có chứa trứng giun mà chưa được nấu chín.
Sau khi được nuốt vào cơ thể người, trứng nở thành ấu trùng đi xuyên qua thành ruột và di chuyển khắp hệ tuần hoàn qua các mô (gan, tim, phổi, não, cơ, mắt). Bệnh điều trị đơn giản nếu phát hiện sớm, một số ít ca bệnh chuyển biến nặng thậm chí tử vong do chẩn đoán nhầm, phát hiện muộn, điều trị không hợp lý
2. Vòng đời giun đũa chó/mèo và con đường lây nhiễm vào cơ thể con người:
(1) Giun đũa chó trưởng thành trong ruột non chó/mèo.
(2) Trứng giun chưa hóa phôi được thải ra ngoài môi trường qua phân của chó/mèo nhiễm bệnh.
(3) Sau 1-2 tuần trứng phát triển thành hóa phôi và có khả năng lây nhiễm nếu con người hay các con vật khá nuốt phải trứng hóa phôi. Trong môi trường trứng hóa phôi có thể phát triển thành ấu trùng.
(4) Ấu trùng chui qua da vật chủ không xác định (con người) gây ra những tổn thương ngoài da.
(5) Chó nhiễm bệnh do ăn hoặc tiếp xúc với vật chủ nhiễm bệnh.
(6) Ấu trùng ở trong các mô.
(7) Ấu trùng chui qua da chó/mèo và khu trú ở các mô
(8) Giun truyền từ chó/mèo mẹ sang chó, mèo con.
3. Chỉ định xét nghiệm ấu trùng giun đũa chó/mèo trong trường hợp nào?
Những người có các dấu hiệu dưới đây cần đến các cơ sở y tế để được chỉ định làm xét nghiệm ấu trùng giun đũa chó/mèo:
- Những người tiếp xúc với chó/mèo hoặc sinh sống ở nơi có chó/mèo thả tự do.
- Dị ứng, sốt không rõ nguyên nhân.
- Đau đầu, mệt mỏi.
- Cơ thể gầy gò, sụt cân chưa rõ nguyên nhân.
- Những người hay ăn các sản phẩm thịt từ chó/mèo hay động vật chưa nấu chín kỹ (tái, gỏi), ăn rau sống chưa được rửa sạch.
4. Xét nghiệm miễn dịch huyết thanh chẩn đoán bệnh giun đũa chó/ mèo:
- Đây là xét nghiệm được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất để chẩn đoán sàng lọc bệnh nhiễm giun đũa chó/mèo Toxocara. Bộ kit ELISA sử dụng kháng nguyên ngoại tiết TES (Toxocara excretory-secretory antigen) để tìm kháng thể loại IgG của ấu trùng trong cơ thể người.
- Độ nhạy: 96.92%, độ đặc hiệu: 98.63%.
- Giá trị bình thường <0.9 OD.
Một số hình ảnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó/ mèo ở người
Hiện nay, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã thực hiện lấy mẫu máu, bảo quản và vận chuyển mẫu xét nghiệm Miễn dịch huyết thanh chẩn đoán bệnh giun đũa chó/ mèo (Toxocara) về Trung tâm Xét nghiệm Chemidic – Hà Nội. Xét Nghiệm cho kết quả nhanh, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại thăm khám cho bệnh nhân nhất là trong mùa dịch Covid-19, nâng cao hiệu quả điều trị. Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường của cơ thể, cần đi khám để sớm phát hiện và kiểm soát bệnh kịp thời.
KTV Vũ Thu Thủy – Khoa Xét nghiệm