Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 123
  • Trong tuần: 8 736
  • Tất cả: 1590426
Bệnh trĩ – Nỗi ám ảnh của các mẹ bầu

Trĩ là tình trạng giãn các tĩnh mạch vùng hậu môn trực tràng lồi vào trong lòng đường ống tiêu hoá, mức độ nặng có thể tạo thành các búi lớn sa qua lỗ hậu môn thường gây nên tình trạng khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người bệnh.

Bệnh thường ở những người hay mang vác nặng, rặn nhiều do táo bón và đặc biệt là ở phụ nữ có thai. Có khoảng hơn 50% phụ nữ mắc trĩ trong thời kỳ mang thai, phổ biến ở quý thứ hai đến quý thứ ba của thai kỳ.

anh tin bai
 

Hình ảnh minh hoạ các mức độ bệnh trĩ

 

Nguyên nhân gây bệnh trĩ khi mang thai?

– Tử cung lớn do thai nhi phát triển nhanh từ tuần thứ 25, chèn ép lên các tĩnh mạch khu vực chậu và vùng hậu môn – trực tràng. Tình trạng này kéo dài có thể khiến bà bầu bị trĩ.

– Tăng nội tiết tố progesterone quá mức gây giãn tĩnh mạch. Nội tiết tố này đồng thời cũng làm suy yếu nhu động ruột, tăng tình trạng táo bón ở phụ nữ mang thai khiến cho người bệnh phải rặn nhiều dẫn đến tăng áp lực lên các tĩnh mạch vùng hậu môn trực tràng.

– Chế độ ăn uống không khoa học: Ăn nhiều đạm, ít rau củ dẫn đến tình trạng táo bón.

– Các yếu tố tác động lên hậu môn làm gia tăng nguy cơ bệnh trĩ: tăng cân quá nhiều khi mang thai, thường xuyên rặn khi đi vệ sinh, ngồi hoặc đứng trong thời gian dài,…

Làm thế nào để biết mình đang bị trĩ?

Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu sau, bạn có thể đang bị trĩ:

– Chảy máu khi đại tiện;

– Xuất hiện các khối thòi ra ngoài khi đại tiện ;

– Ngứa vùng hậu môn;

– Đau;

– Xuất hiện những khối cứng nhỏ ở rìa hậu môn.

  
anh tin bai

Dấu hiệu của trĩ

Điều trị bệnh trĩ như thế nào?

Ở giai đoạn đầu của bệnh trĩ (độ I, II), phương pháp chủ yếu là điều trị nội khoa và thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt cho người bệnh. Với trường hợp trĩ nặng (độ III, IV), phụ nữ mang thai có thể được xem xét thực hiện các biện pháp can thiệp. Các mẹ bầu lưu ý tuân theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả và an toàn

Các biện pháp đơn giản để điều trị trĩ mức độ nhẹ các mẹ bầu:

- Ăn nhiều chất xơ: Những loại thực phẩm được khuyên dùng gồm ngũ cốc nguyên cám (lúa mạch, lúa mì, gạo lứt, kê, lúa mạch đen, yến mạch,…); trái cây; rau củ;… giúp tăng khối lượng phân, mềm phân.

- Nên bổ sung nhiều nước (khoảng 2 lít mỗi ngày) để làm hỗ trợ tiêu hóa, làm mềm phân.

- Tạo thói quen đi vệ sinh phù hợp, nên đi đại tiện ngay khi có cảm giác, bởi việc nhịn khiến phân giữ lại lâu trong trực tràng và hậu môn, trực tràng sẽ dần hấp thu trong nước, trong phân, khiến phân khô cứng, ứ đọng và khó đi hơn.

- Hạn chế ngồi quá lâu và tăng cường vận động nhẹ nhàng: hạn chế ngồi quá lâu, đặc biệt trên bồn cầu, bởi điều này sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn, khiến bệnh trĩ nặng thêm. Nếu do tính chất công việc, hãy cố gắng thường xuyên vận động, vừa hạn chế bệnh trĩ, vừa tốt cho xương cột sống.

- Ngâm hậu môn trong nước ấm ngày 2-3 lần, mỗi lần 10 phút.

- Thuốc điều trị trĩ: thuốc uống, thuốc mỡ và viên đạn được quảng cáo trên thị trường để ngừa đau, chống chảy máu, chữa trĩ và các bệnh hậu môn trực tràng khác. Tuy nhiên, các bà bầu không nên tự ý dùng thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

Nếu các mẹ bầu phát hiện có triệu chứng của bệnh trĩ hãy đến bệnh viện Sản Nhi Lào Cai để được các bác sĩ khám và tư vấn điều trị kịp thời hạn chế các tình trạng khó chịu do bệnh trĩ mang lại trong quá trình mang thai.

 

Lê Thị Phương Chi - KB
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !