Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc kháng sinh cho trẻ em. Mỗi loại thuốc có những tác dụng và dành cho những nhóm lứa tuổi riêng biệt. Sau đây là những loại kháng sinh được dùng cho trẻ em an toàn và hiệu quả.
Một số thuốc kháng sinh dùng cho trẻ em tại Bệnh viện Sản Nhi tình Lào Cai
1. Nhóm kháng sinh βeta-lactam
Thuốc kháng sinh nhóm Penicillin
Kháng sinh nhóm này bao gồm Penicillin G và Amoxicillin. Đây là dạng thuốc kháng sinh điều trị tình trạng viêm xoang, viêm tai giữa do các loại vi khuẩn, nhiễm khuẩn hô hấp trên.
Liều dùng: thường là 250 - 500mg, cách 8 giờ 1 lần.
Thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin
Kháng sinh nhóm này gồm Cefuroxime, Cefotaxim... Tác dụng chính của nhóm thuốc này chính là điều trị viêm tai giữa phức tạp, viêm phổi, trẻ có tiền sử viêm tai giữa tái phát và viêm xoang do vi khuẩn.
Liều dùng:
Trẻ em từ 3 tháng đến 2 tuổi: 10mg/kg (tối da 125mg/lần), 12 giờ một lần.
Trẻ em từ 2 tuổi đến 12 tuổi: 15mg/kg (tối đa 250mg/lần), 12 giờ một lần.
Trẻ em từ 12 đến 18 tuổi: 250mg, 12 giờ một lần.
Thuốc ức chế beta-lactamase
Một nhóm thuốc kháng sinh dành cho những bé bị viêm tai giữa nặng, phức tạp và có khả năng bị viêm phổi, viêm xoang do vi khuẩn, nhiễm khuẩn hô hấp trên và dưới là Amoxicillin – axit clavulanic.
Tuy nhiên bác sĩ khi kê thuốc nên chú ý rằng, thành phần clavulanic dễ gây tiêu chảy, vì vậy nên lựa chọn các chế phẩm có hàm lượng clavulanic thấp. Đặc biệt bệnh nhân cần phải kèm men vi sinh (enterogeminal, entergran…) uống cách kháng sinh 1 – 2 giờ.
Liều dùng: Trẻ em dưới 40kg liều thông thường 80mg/kg/ngày. Chia 3 lần/ngày tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
2. Nhóm thuốc kháng sinh Macrolid (Erythromycin, Azithromycin)
Macrolid là nhóm thuốc kháng sinh cho trẻ em bị viêm họng, viêm phổi nhẹ. Những loại thuốc này được dùng trong thời gian ngắn từ 3 – 5 ngày. Cụ thể:
Thuốc kháng sinh Erythromycin: 40 – 50 mg/ kg/ ngày chia 2 lần
Thuốc kháng sinh Azithromycin: 10 mg/ kg/ ngày, uống lúc bụng đói.
Thuốc kháng sinh Clarythromycin: 15 mg/ kg/ ngày chia 2 lần.
3. Nhóm thuốc kháng sinh cho bé điều trị tại chỗ
Với những trẻ bị viêm tai giữa cấp, nếu có mủ thì cần vệ sinh sạch sẽ. Sau đó bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh dạng nhỏ, có thể là các loại thuốc như Ciprofloxacin, Chloramphenicol…
Những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc kháng sinh
Hầu hết các sản phẩm thuốc kháng sinh cho trẻ em đều có tác dụng phụ không mong muốn giống nhau. Các tác dụng phụ cơ bản mà bệnh nhân có thể gặp phải:
- Tác dụng phụ với hệ tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, khó tiêu, cảm giác no, đầy hơi, ăn mất ngon, chuột rút, đau bụng, phân có xuất hiện vết máu hoặc chất nhầy, tiêu chảy nặng, đau quặn bụng, dốt, nôn mửa không kiểm soát
- Một số tác dụng phụ nguy hiểm khác là xuất hiện tình trạng sốc phản vệ ở bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh. Những dấu hiệu sốc phản vệ bao gồm: Tim đập nhanh, phát ban, cảm giác ngứa ran và chóng mặt, sưng miệng, cổ họng, mặt, dưới da, ngất xỉu, co giật…
- Dù xuất hiện bất cứ hình thức phản ứng phụ nào sau khi sử dụng thuốc kháng sinh cho bé thì phụ huynh cũng cần đưa bé tới bác sĩ ngay để chẩn đoán tình trạng bệnh và có hướng khắc phục. Nhất là tình trạng sốc phản vệ ở bé. Nếu không điều trị sớm trong 15 phút đầu rất có khả năng ảnh hưởng tới tính mạng.
Thuốc kháng sinh không khuyến khích sử dụng rộng rãi cho nên cần tuân thủ chỉ định khi có yêu cầu. Phụ huynh nên sáng suốt trong việc lựa chọn các loại thuốc kháng sinh dùng cho trẻ sơ sinh và kể cả trẻ nhỏ khác. Dù các loại thuốc kháng sinh có chỉ định được dùng cho các bé nhưng các bậc phụ huynh không nên tự ý sử dụng. Khi trẻ bị bệnh hãy tới bác sĩ để nhận được tư vấn khám chữa bệnh, kê đơn thuốc hợp lý nhất và cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh tình trạng dùng sai thuốc, quá liều hoặc sử dụng thuốc có chứa thành phần dị ứng gây ảnh hưởng tới cơ thể và sức khỏe của trẻ nhỏ. Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai, là bệnh viện tuyến đầu về nhi khoa của tỉnh, với đội ngũ y bác sỹ nhiều kinh nghiệm, là địa chỉ tin cậy với các bậc phụ huynh. Mong rằng với những thông tin về thuốc kháng sinh dành cho trẻ em, các bậc phụ huynh đã biết nên lựa chọn dùng thuốc ra sao cho phù hợp.