Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 140
  • Trong tuần: 6 176
  • Tất cả: 1383788
Cảnh giác với tổn thương tụ máu dưới màng cứng

Tụ máu dưới màng cứng là gì?

Máu tụ dưới màng cứng là khối máu đông hình thành trong khoang dưới màng cứng, khoang giữa màng cứng và màng nhện. Máu tụ dưới màng cứng thường do chấn thương đầu gây tổn thương các tĩnh mạch vỏ não.

 

         

          Máu tụ dưới màng cứng được chia làm 3 loại:

          - Máu tụ dưới màng cứng cấp tính: do nguồn chảy máu lớn nên khoảng thời gian biểu hiện ngắn (trước 72h) với các biểu hiện rầm rộ.

          - Máu tụ dưới màng cứng bán cấp: nguồn chảy máu nhỏ hơn, triệu chứng lâm sàng ít rầm rộ, thường sau 1-3 tuần.

          - Máu tụ dưới màng cứng mạn tính: máu chảy ri rỉ kéo dài, khối máu tụ được giới hạn bởi vỏ bọc xung quanh. Nếu máu chảy được não hấp thụ tốt thì sẽ không hình thành máu tụ dưới màng cứng. Máu tụ dưới màng cứng mạn tính chỉ xảy ra khi khối máu tụ không được hấp thụ và quá trình sinh bệnh học bắt đầu gây ra tăng tập hợp dịch. Khối máu tụ to dần vượt quá khoảng trống dưới màng cứng chèn ép vào tổ chức não sẽ gây ra những biểu hiện lâm sàng (thường từ 3-4 tuần trở đi).

 

 

 

Biểu hiện của máu tụ dưới màng cứng:

Biểu hiện của máu tụ dưới màng cứng mạn tính thường không rõ ràng, tiến triển chậm, kéo dài, âm thầm, không có triệu chứng đặc hiệu. Tuy nhiên thông thường với những biểu hiện lâm sàng gợi ý như sau:

          - Đau đầu liên tục và tăng dần, đôi khi xuất hiện đau từng cơn với mức độ tăng dần các thuốc giảm đau thông thường ít có tác dụng.

          - Thay đổi tính cách, thường có biểu hiện trầm cảm.

          - Liệt nửa người không hoàn toàn, không đồng đều và không thuần nhất. Thường người bệnh có biểu hiện yếu tăng dần, tuy nhiên triệu chứng này thường muộn và chỉ gặp ở 60-79% số trường hợp.

          - Nôn vọt, không có tiền triệu trước, biểu hiện này ít gặp.

          - Mắt mờ dần, thị lực giảm dần, khám mắt có biểu hiện phù gai thị. Triệu chứng này thường ít gặp và là biểu hiện rất muộn của bệnh.

Chẩn đoán xác định tụ máu dưới màng cứng:

Để chẩn đoán xác định tụ máu dưới màng cứng, các bác sỹ dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

Điện não đồ: Là phương pháp thăm dò có giá trị hướng tới chẩn đoán, hình ảnh điện não đồ là giảm điện thế bên tổn thương và mất cân xứng hai bán cầu đại não, đôi khi xuất hiện sóng động kinh.

Chụp cắt lớp vi tính: Với biểu hiện điển hình là một vùng tăng nhẹ tỷ trọng hoặc giảm tỷ trọng so với tổ chức não, vùng này sát xương sọ, hình liềm, bờ lõm và đều, thường lan tỏa một hoặc cả hai bên bán cầu (trán, thái dương, đỉnh chẩm). Nếu được tiêm thuốc cản quang sẽ thấy rõ bao máu tụ. Khi khối máu tụ lớn, chèn ép mạnh sẽ có hình ảnh: đường giữa và não thất bị đẩy lệch sang bên đối diện, não thất cùng bên xẹp và đối bên giãn ra.

 

 

 

 

Máu tụ dưới màng cứng hai bên trên phim CT sọ não không tiêm

 

Chụp MRI: MRI có ưu thế hơn chụp CT trong khả năng phát hiện tụ máu dưới màng cứng nhưng chụp CT lại nhanh và thường sẵn có hơn.

Cần phân biệt tụ máu dưới màng cứng với hình ảnh tụ dịch dưới màng cứng.

Nguyên nhân gây ra tụ máu dưới màng cứng:

          - Nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương ở đầu nghiêm trọng (Tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đánh nhau...) làm cho tĩnh mạch ở khoang dưới màng cứng bị rách. Vết rách làm cho máu chảy vào khoang tạo thành khối máu đông tụ lại chèn ép vào mô não (thường là cấp tính).

          - Máu tụ dưới màng cứng ở người lớn tuổi rất dễ xảy ra dù chỉ là một chấn thương đầu rất nhỏ, do ở người già tĩnh mạch thường bị giãn ra nên rất dễ bị tổn thương.

          - Hiện tượng máu tụ dưới màng cứng đôi khi cũng do chảy máu tự phát không phải do chấn thương đầu gây ra. Trường hợp này thường xảy ra ở những người bị rối loạn đông máu.

          - Ngoài ra tụ máu dưới màng cứng cũng do một nguyên nhân hiếm gặp khác đó là máu chảy từ chỗ phồng lên của mạch máu (túi phình mạch não). Thành túi phình mạch não khá yếu nên dễ vỡ ra và gây chảy máu.

Vậy những người nào bị máu tụ dưới màng cứng?

Máu tụ dưới màng cứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ tụ máu dưới màng cứng sau một chấn thương đầu cao hơn:

- Những người lớn tuổi: Ở những người trên 60 tuổi một số các mạch máu xung quanh não trở nên yếu hơn khiến chúng dễ bị tổn thương và chảy máu. Khi chúng ta già, bộ não có thể teo nhỏ bên trong hộp sọ một chút làm căng các mạch máu và làm cho chúng dễ chảy máu hơn khi bị chấn thương ở đầu.

- Những người nghiện rượu: Nghiện rượu gây ảnh hưởng đến khả năng đông máu và có thể gây teo não như khi chúng ta già. Điều này cũng làm căng các mạch máu và tăng nguy cơ chảy máu. Những người nghiện rượu hay bị té ngã nhiều hơn và bị chấn thương đầu nhiều hơn.

- Những người điều trị thuốc kháng đông: Điều trị thuốc kháng đông (bao gồm cả điều trị bằng Aspirin hoặc Warfarin) cũng có thể làm tăng khả năng bị máu tụ dưới màng cứng sau chấn thương đầu.

- Em bé: Ở trẻ máu tụ dưới màng cứng có thể do rách tĩnh mạch trong khoang dưới màng cứng.

Khuyến cáo

          Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu như Warfarin, hãy đi xét nghiệm máu định kỳ. Những xét nghiệm này là để kiểm tra xem bạn đang dùng đúng liều và máu của bạn không quá loãng. Nếu máu của bạn trở nên quá loãng, bạn có nhiều khả năng bị máu tụ dưới màng cứng nếu bạn bị té ngã và đập đầu.

          Tất cả mọi người nên cẩn thận để cố gắng tránh nguy cơ té ngã và đập đầu. Bạn có thể làm những biện pháp đơn giản xung quanh nhà như bỏ những thảm trơn, hay dẹp những chướng ngại vật. Những người nghiện rượu nên tìm trợ giúp ở những trung tâm tư vấn cai rượu.

          Nếu bạn hoặc con bạn tham gia vào các môn thể thao như đi xe đạp, trượt patin, trượt tuyết, đấm bốc hay trượt ván, bạn nên đội mũ bảo hiểm/ mũ bảo vệ để giảm nguy cơ những chấn thương đầu nghiêm trọng

Đảm bảo an toàn lao động và sinh hoạt.

          Tuyệt đối không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đương bộ, không đi quá tốc độ, đội mũ bảo hiểm đúng qui cách.

          Nếu bạn bị va đập vùng đầu hoặc có các biểu hiện của tụ máu dưới màng cứng như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để lại các tai biến và di chứng sau này.

CN. Lương Tiến Dũng – Khoa CĐHA

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image