Trong tình trạng diễn biến dịch SARS-COV2 đang diễn biến phức tạp, số lượng người mắc bệnh tăng nhanh trong cộng đồng, thì việc chăm sóc cho bệnh nhân Covid được đặt lên hàng đầu.
Là người chăm sóc cho bệnh nhân, mọi người có thể thực hiện nhiều hành động quan trọng để ngăn chặn sự lan rộng của virus bên trong cũng như bên ngoài nhà của mình. Đầu tiên là việc nghiêm chỉnh chấp hành giai đoạn cách ly, nên ở phòng riêng, đeo khẩu trang cho tới khi hoàn thành thời gian cách ly. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, hạn chế chạm vào mắt, mũi, miệng khi rửa, đối với cả bệnh nhân và người chăm sóc. Đảm bảo khoảng cách khi tiếp xúc giưã người bệnh và người chăm sóc ít nhất 6 bước chân. Yêu cầu người bệnh che miệng, mũi khi hắt xì, ho. Đặc biệt, cần vệ sinh, khử trùng các bề mặt thường xuyên khi tiếp xúc hàng ngày.
Trong quá trình chăm sóc người bệnh cần lập kế hoạch chăm sóc cụ thể, tránh bỏ sót:
- Thân nhiệt và bù nước và điện giải.
- Chăm sóc toàn thân (vệ sinh, thay quần áo, …)
- Đảm bảo hô hấp.
- Ổn định tuần hoàn.
- Theo dõi sát diễn biến, phát hiện sớm các biểu hiện nặng của bệnh.
- Thực hiện y lệnh của bác sĩ, làm xét nghiệm.
- Dinh dưỡng.
- Dự phòng biến chứng.
- Tư vấn giáo dục.
1. Chăm sóc bệnh nhân suy hô hấp nặng, thở máy có hoặc không kèm theo sốc
Bệnh nhân khó thở nhiều, thở gắng sức, tím tái đầu môi và các chi, co kéo cơ hô hấp, thở oxy không đáp ứng, thở gắng sức, thở máy không xâm nhập thất bại. Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản và thở máy xâm nhập. Hoặc bệnh nhân tiến triển tụt HA và suy đa tạng.
a. Đảm bảo hô hấp
- Theo dõi sát nhịp thở, SpO2
- Tình trạng tụt lưỡi, ứ đọng đờm dãi.
- Nằm nghiêng an toàn, đặt canuyn miệng tránh tụt lưỡi.
- Phải báo ngay cho bác sĩ nếu thấy bệnh nhân có phản xạ nuốt kém (để đặt xông dạ dày), ho kém hoặc ứ đọng đờm dãi (để đặt nội khí quản).
- Hút đờm dãi họng miệng, mũi- hút dịch khí phế quản, chăm sóc ống nội khí quản nếu đã đặt nội khí quản.
- Chuẩn bị dụng cụ và máy thở, hỗ trợ bác sỹ đặt nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy nếu có chỉ định bệnh nhân.
b. Đảm bảo tuần hoàn
- Theo dõi sát mạch, huyết áp (nhịp độ theo dõi tùy theo tình trạng bệnh nhân).
- Dùng thuốc nâng huyết áp hoặc thuốc hạ huyết áp và truyền dịch theo y lệnh bác sĩ.
- Cần thông báo cho bác sỹ nếu phát hiện thấy nhịp chậm < 60 lần/phút. Hoặc nhanh >120 nhịp/ph), rối loạn nhịp hoặc huyết áp tối đa tụt (>90 mmHg hoặc giảm quá 40 mmHg so với huyết áp nền) hoặc huyết áp quá cao (>160/90 mmHg hoặc tăng thêm trên 40 mmHg so với huyết áp nền).
c. Thực hiện y lệnh điều trị
- Thực hiện y lệnh truyền dịch, tiêm thuốc, uống thuốc nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
- Làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.
- Phụ giúp bác sỹ làm thủ thuật khi có chỉ định.
- Đưa bệnh nhân đi chụp chiếu X-quang, chụp cắt lớp vi tính… phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc phân luồng bệnh nhân.
d. Phòng chống nhiễm khuẩn
- Đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn khi chăm sóc ống nội khí quản, canuyn mở khí quản.
- Hút đờm nhẹ nhàng tránh gây thương tích cho khí phế quản. Quan sát máy thở, monitor.
- Đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi đặt ống thông bàng quang, túi đựng nước tiểu phải kín, đặt ở thấp tránh nhiễm khuẩn ngược dòng.
- Vệ sinh răng miệng.
- Chú ý giữ vệ sinh da (tắm, gội đầu, vệ sinh bộ phân sinh dục; thay ga trải giường và quần áo thường xuyên).
- Chăm sóc mắt: thường xuyên rửa mắt, nhỏ mắt bằng các thuốc kháng sinh dùng cho mắt (chloramphenicol 0,4%, cipro nhỏ mắt...); băng mắt và dán mi nếu bệnh nhân không chớp mắt được.
d. Đảm bảo dinh dưỡng
- Đặt sonde dạ dày cho ăn; trước khi cho ăn phải đánh giá dịch dạ dày.
- Chế độ ăn đủ calo phù hợp với bệnh nhân: 25-30 calo/kg/ngày chia 4- 6 bữa (ăn nhạt nếu tăng HA, suy thận, suy tim). Chế độ ăn theo chỉ định Bác sĩ dinh dưỡng.
- Đảm bảo đủ nước.
e. Chống loét
- Nằm đệm chống loét hoặc phao giường nếu bệnh nhân bị bất động nhiều ngày tại giường.
- Giữ ga trải giường khô, sạch, không có nếp nhăn.
- Thay đổi tư thế thường xuyên định kỳ (2-3 h/lần).
- Xoa bóp và xoa bột talc vào các điểm tì đè, luôn giữ cho da sạch và khô.
- Nếu đã có vết loét: Cắt lọc, rửa sạch, đắp dinh dưỡng có chỉ định bác sĩ.
- Nuôi dưỡng đủ calo và protit: chống teo cơ, cứng khớp, tắc mạch.
- Thường xuyên xoa bóp, tập vận động cho các chi và cơ của bệnh nhân.
- Đặt các khớp ở tư thế cơ năng.
- Đỡ bệnh nhân dậy sớm khi có thể.
- Thực hiện nghiêm túc các y lệnh một cách tự giác (vì bệnh nhân hôn mê hoàn toàn phó thác tính mạng cho điều dưỡng và các thầy thuốc).
ĐD. Trần Xuân Hoàn – Khoa Hồi sức cấp cứu