Điện tâm đồ (ECG) là một
phương pháp để theo dõi hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ có thể đo tốc độ và
nhịp điệu của tim, vậy điện tâm đồ (ECG) là gì? Những đối tượng nào cần phải
làm điện tâm đồ và tại sao phải làm điện tâm đồ?
ECG là gì?
Điện tâm đồ là một đường cong ghi lại
các biến thiên của dòng điện do tim phát ra trong khi hoạt động co bóp. Điện
tâm đồ có thể đo tốc độ và nhịp điệu của tim cũng như cung cấp những bằng chứng
gián tiếp về lưu lượng máu đến tim.
Điện tâm đồ là gì? Những đối tượng cần
làm điện tâm đồ?( Nguồn ảnh: Internet)
Khi tim hoạt động sẽ tạo ra một xung
điện tạo ra từ các tế bào trong buồng tim, điện tâm đồ ghi lại các tín hiệu
điện khi những xung điện này đi qua tim theo một hệ thống dẫn truyền.
Điện tâm đồ được làm để phát hiện các bệnh lý về tim như đau thắt ngực, loạn
nhịp tim,… Đôi khi, điện tâm đồ tiến hành như một xét nghiệm thường quy tại
bệnh viện.
Điện tâm đồ được tiến hành như thế nào?
Điện tâm đồ là một xét nghiệm đơn giản,
không gây đau đớn và có giá trị trong chẩn đoán nhiều bệnh tim mạch như
loạn nhịp tim, đau thắt ngực, bệnh van tim,…
Điện tâm đồ được thực hiện bằng máy đo
điện tâm đồ gồm các điện cực được lắp vào cổ tay, cổ chân và ngực (vùng tim)
của bệnh nhân. Máy sẽ phát hiện, khuếch đại những xung điện xuất hiện từ mỗi
nhịp tim và ghi chúng lại vào giấy in hoặc máy tính. Nhịp đập của tim cũng sẽ
được ghi lại bởi những điện cực khác nhau. Các điện cực ở các phần khác nhau
của cơ thể phát hiện các xung điện phát ra từ các hướng khác nhau trong tim.
Mỗi điện cực đều cho ra những dạng sóng bình thường của nó. Những rối loạn nhịp
tim sẽ tạo ra các sóng bất thường trên điện tâm đồ.
Những đối tượng nào cần làm điện tâm đồ?
Hiện nay, ở các bệnh viện hầu như điện
tâm đồ được coi là một xét nghiệm thường quy trong việc thăm khám và chẩn đoán
bệnh. Những bệnh nhân có biểu hiện bệnh tim mạch như: đau thắt ngực,
khó thở, tim loạn nhịp,… hoặc những bệnh nhân đã được chẩn đoán thiếu máu cơ
tim, hở van tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,… cần được
tiến hành làm điện tâm đồ để kiểm tra và theo dõi tình trạng bệnh. Hơn nữa,
điện tâm đồ còn là một trong những xét nghiệm được áp dụng tương đối rộng rãi
tại các bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh nhằm sàng lọc và tầm soát các bệnh
nhân có yếu tố nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Điện tâm đồ giúp chẩn đoán những bệnh gì?
Bệnh lý tim mạch được chẩn đoán qua điện
tâm đồ dựa trên những sóng bất thường khi tiến hành làm điện tâm đồ. Các bất
thường của tim được hiện thị trên sóng điện tâm đồ như:
Nhịp tim: Thông thường, nhịp tim có thể đo bằng
cách kiểm tra mạch đập. Tuy nhiên, điện tâm đồ có tầm quan trọng quyết
định để chẩn đoán chính xác các loạn nhịp tim: nhịp tim nhanh, nhịp tim
chậm hoặc loạn nhịp tim. Những trường hợp này xảy khi có bất kì một trục trặc
nào trong hệ thống điện của trái tim. Một số trường hợp do sử dụng các thuốc
chẹn beta, thuốc hướng thần hoặc chất kích thích cũng gây ra tình trạng loạn
nhịp tim.
Điện tâm đồ chuẩn đoán nhiều bệnh tim
mạch
Cơn đau thắt ngực: ECG thực hiện trong khi đang có cơn
đau có thể giúp xác định chẩn đoán thiếu máu cơ tim. Ngoài ra, ECG thường có
thể cho thấy bằng chứng của một cơn nhồi máu cơ tim trước đó hoặc đang diễn ra.
Các sóng hiển thị trên điện tâm đồ có thể chỉ ra phần cơ tim đã bị tổn thương,
cũng như mức độ thiệt hại của nó. Đối với bệnh mạch vành gây thiếu máu cơ tim,
điện tâm đồ có vai trò không thể thiếu.
Cấu trúc bất thường của tim: Điện tâm đồ có thể cho
thấy các bất thường về thành tim (Phì đại cơ tim,…), buồng tim cũng như các
khuyết tật của tim và các vấn đề tim mạch khác.
Những ưu, nhược điểm của điện tâm đồ
Ưu điểm: Như đã nói ở trên, điện tâm đồ biện
pháp đơn giản nhất để tìm các dấu hiệu của các bệnh lý tim mạch. Điện tâm đồ là
một thăm dò không chảy máu, đơn giản, ít tốn kém, có thể tiến hành trong vòng 5
phút. Điện tâm đồ được coi như là một công cụ hỗ trợ chẩn đoán nhiều bệnh
lý tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, hở van tim,….
Nhược điểm: Bên cạnh những ưu điểm ở trên, trong
nhiều trường hợp khi làm điện tâm đồ cho kết quả bình thường cũng không thể
loại trừ bệnh lý tim mạch nhất là thiếu máu cơ tim Ví dụ như: bạn có cơn đau
thắt ngực không thường xuyên, thỉnh thoảng mới có một cơn kéo dài trong
một thời gian ngắn, khi làm điện tim ngoài cơn đau, các sóng điện tâm đồ hoàn
toàn bình thường, điều đó không có nghĩa là bạn không mắc bệnh tim mạch.
Các phương pháp đo điện tâm đồ chuyên
biệt đôi khi giúp khắc phục những hạn chế của điện tâm đồ thường quy: Điện tâm
đồ gắng sức, điện tâm đồ holter,…
Điện tâm đồ là một phương tiện giúp ích
cho chẩn đoán bệnh có gây ra các biến đổi của cơ tim. Nhưng, khi điện tâm
đồ bình thường cũng không loại trừ các bệnh tim mạch. Vì vậy, bạn đừng chủ quan
với bệnh tật nói chung và bệnh tim mạch nói riêng.
BSCKI.
Hứa Thị Hồng Chuyên - Khoa Hỗ trợ sinh sản