Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 58
  • Hôm nay: 885
  • Trong tuần: 12 258
  • Tất cả: 1620182
Những lưu ý khi chụp cắt lớp vi tính

Chụp CT hay chụp cắt lớp vi tính được đánh giá là một trong những thành tựu khoa học trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Phương pháp này chính là công cụ hỗ trợ đắc lực nhằm giúp bác sĩ chẩn đoán và tiên lượng bệnh chính xác.

1. Chụp CT là gì?

 

Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) là sự kết hợp hình ảnh Xquang được chụp từ các góc khác nhau trên cơ thể đồng thời sử dụng máy tính để tạo ra hình ảnh cắt lát của xương, mạch máu và mô mềm bên trong cơ thể... Những hình ảnh này cung cấp thông tin chi tiết hơn so với chụp Xquang thông thường.

Chụp CT được sử dụng nhiều nhưng nó đặc biệt phù hợp để kiểm tra nhanh những người có thể bị chấn thương bên trong do tai nạn xe hơi hoặc các loại chấn thương khác. Chụp CT cũng có thể được sử dụng để hình ảnh hoá gần như tất cả các bộ phận của cơ thể (chẳng hạn như: đầu, vai, xương sống, tim, bụng, đầu gối, ngực...) và được sử dụng để chẩn đoán bệnh cũng như lên kế hoạch điều trị, phẫu thuật hoặc xạ trị.

Chụp CT cho kết quả nhanh và chi tiết hơn chụp X-quang.

2. Những ai được chỉ định chụp CT?

Chụp CT có nhiều công dụng nhưng nó đặc biệt phù hợp để chẩn đoán bệnh và đánh giá thương tích. Kết quả hình ảnh có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh ở bệnh nhân như:

● Nhiễm trùng, rối loạn cơ và gãy xương

● Phát hiện và theo dõi bệnh ung thư, bệnh timkhí phế thũng hoặc u gan

● Chấn thương bên trong và chảy máu (những người bị tai nạn)

● Xác định vị trí khối u, cục máu đông.

● Hướng dẫn thủ thuật như phẫu thuật, sinh thiết và xạ trị

● Theo dõi một số phương pháp điều trị, chẳng hạn như điều trị ung thư.

3. Quy trình chụp CT sẽ diễn ra như thế nào?

Quy trình chụp CT gồm có ba phần như sau:

3.1. Chuẩn bị

Tuỳ thuộc vào vị trí cơ thể cần được chụp CT thì bạn có thể sẽ được yêu cầu: Cởi một số hoặc tất cả quần áo và mặc áo choàng của bệnh viện; loại bỏ các vật bằng kim loại (như dây thắt lưng, trang sức, răng giả, kính mắt. Bởi vì những vật dụng này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng); tránh ăn hoặc uống trong vài giờ trước khi thực hiện; Sử dụng thuốc cản quang.

Một số loại thuốc đặc biệt được gọi là thuốc cản quang là cần thiết cho một số lần chụp CT. Nó có tác dụng làm rõ hơn các khu vực trên cơ thể cần được kiểm tra. Thuốc cản quang sẽ ngăn cản tia X và xuất hiện màu trắng trên hình ảnh, nó giúp làm nổi bật các mạch máu, ruột hoặc các cấu trúc khác.

Thuốc cản quang có thể được sử dụng bằng đường uống và tiêm tĩnh mạch. Nếu vị trí chụp CT là thực quản hoặc dạ dày cần phải uống một lượng chất lỏng có chứa thuốc nhuộm đặc biệt. Trong trường hợp tiêm tĩnh mạch khi chụp CT ở những vị trí như túi mật, đường tiết niệu, gan hoặc mạch máu, thì nó sẽ giúp cho hình ảnh được quan sát rõ ràng hơn. Còn nếu vị trí chụp CT ruột, thì có thể sử dụng thuốc xổ và sau đó đưa thuốc cản quang vào trực tràng.

Tiêm thuốc cản quang khi chụp CT.

3.2. Trong quá trình chụp CT

Để chụp CT, bạn sẽ phải nằm trên một cái bàn, bàn sẽ trượt qua khe hở để đi vào lồng chụp. Trong quá trình chụp bạn sẽ được giữ yên vị trí bằng dây đai và gối. Khi quét qua đầu, bàn có thể được gắn một giá đỡ đặc biệt giữ đầu đứng yên.

Khi bạn được di chuyển vào máy quét, máy dò và ống tia X xoay, mỗi vòng quay sẽ cho một hình ảnh lát mỏng của cơ thể.

Kỹ thuật viên, sẽ ngồi ở phòng riêng biệt có thể nhìn và giao tiếp kỹ thuật với bạn và yêu cầu bạn nín thở tại một số thời điểm nhất định để tránh làm mờ hình ảnh được chụp.

3.3. Sau quá trình chụp CT

Sau khi hoàn thành quá trình chụp CT, mọi hoạt động hoặc thói quen của bạn có thể trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng chất cản quản trong quá trình chụp CT thì bạn sẽ nhận được một số hướng dẫn đặc biệt. Chẳng hạn như bạn sẽ được yêu cầu uống nhiều nước để lại bỏ chất cản quang ra khỏi cơ thể.

Bệnh nhân uống nhiều nước sau khi chụp để loại bỏ chất cản quang

4. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi chụp CT có tiêm thuốc cản quang

Dị ứng thuốc cản quang có thể là nhẹ như có cảm giác ấm, buồn nôn, chóng mặt, hắt hơi, thường sẽ mất dần đi trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng với một số người sẽ có triệu chứng dị ứng nặng hơn như nổi mẩn đỏ ở da, mề đay, lạnh... Hoặc các dị ứng nghiêm trọng bao gồm phù họng, hen suyễnhạ huyết áp, nặng có thể sốc phản vệ và đột tử. Mỗi lần sử dụng thuốc cản quang sẽ có mức độ phản ứng bất lợi khác nhau. Tuy nhiên, nếu có tiền sử dị ứng, bạn nên thông báo cho bác sĩ và kỹ thuật viên để biết tình trạng của bản thân và có phương án lựa chọn phù hợp.

Một số người khi sử dụng tiêm tĩnh mạch thuốc cản quang để chụp CT có thể bị đau sưng tĩnh mạch (bạn không nên chườm nóng trong trường hợp này), hoặc cảm thấy khó chịu thì cần báo cho bác sĩ để có thể xử lý tình huống kịp thời.

Với những bệnh nhân bị cường giápu tuỷ thượng thậnnhược cơ ở mức độ nặng mà có sử dụng thuốc cản quang để chụp CT thì bệnh có thể trở nên nặng và tồi tệ hơn. Những bệnh nhân này nên báo trước với bác sĩ để có phương án dự phòng kịp thời.

Những bệnh nhân có chức năng thận kém, mức creatinin huyết thanh gần bằng hoặc bằng 2.0mg/dL, nhưng không lọc máu thì khuyến cáo 12 giờ trước khi chụp nên bắt đầu bổ sung nước với mức 100ml mỗi giờ và kéo dài đến 12 giờ sau khi chụp CT. Với những bệnh nhân có mức creatinin huyết thanh lớn hơn 2.0mg/dL khi sử dụng thuốc cản quang sẽ làm tăng nguy cơ lọc máu ngắn hạn hoặc suốt đời.

Với một số ít bệnh nhân sau khi tiêm thuốc cản quang xảy ra tình trạng thuốc thoát mạch, rò rỉ đến các mô hoặc cơ ở dưới da, đồng thời gây đau, và sưng đỏ. Tuy nhiên, triệu chứng sưng và đau dưới da sẽ biến mất sau vài ngày với sự hấp thụ của thuốc cản quang. Ngược lại, cũng có một số bệnh nhân lại có triệu chứng viêm nặng, loét và phản ứng chèn ép dây thần kinh cục bộ. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được nằm viện theo dõi và điều trị. Một số yếu tố gây ra tình trạng thoát mạch, rò rỉ thuốc cản quang như: tri giác không nhận thức được, bị kích động, phù da, mạch máu nhỏ....

Chụp cắt lớp vi tính là phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính xác, giúp phát hiện nhiều bệnh lý trên các cơ quan khác nhau của cơ thể. Khi thực hiện chụp CT, bệnh nhân nên thực hiện đúng theo hướng dẫn của y bác sĩ để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Hiện tại, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào cai đã đầu tư và đưa máy chụp CT hiện đại,  vào công tác thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh. Theo đó, người thực hiện chụp CT đều là đội ngũ  Bác sĩ và Kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, có chuyên môn cao sẽ đưa ra hình ảnh tốt nhất để chẩn đoán đúng bệnh, từ đó có hướng điều trị đúng, kịp thời, bảo đảm sức khỏe tối ưu cho quý khách hàng.

KTV. Trần Viết Đạt – Khoa Chẩn đoán hình ảnh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !