1. Que tránh thai là gì ?
Cấy que tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai hiện đại, an toàn và hiệu quả đang được triển khai tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Lào Cai. Cấy que tránh thai thực sự là một biện pháp tránh thai phù hợp với các bà mẹ cho con bú và phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản.
Que cấy tránh thai Implanon là ống nhỏ làm bằng chất dẻo chứa thuốc tránh thai, được cấy dưới da tay không thuận của người phụ nữ. Thành phần có trong que cấy tránh thai bao gồm nội tiết tố levonorgestrel hay etonogestrel. Khi đã cấy que tránh thai vào cơ thể, hiệu quả tránh thai trong 3 năm, phụ nữ không cần sử dụng đến bất kỳ biện pháp tránh thai nào khác.
Hình ảnh Que cấy tránh thai Implanon
2. Cơ chế tránh thai của que tránh thai
Que tránh thai có tác dụng tránh thai dựa theo 2 cơ chế chính là :
- Làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn không cho tinh trùng đi vào buồng tử cung.
- Làm mỏng niêm mạc tử cung dẫn đến việc khó làm tổ của thai
- Ngăn cản quá trình rụng trứng (ở hơn phân nửa các chu kỳ).
3. Hiệu quả tránh thai của que cấy
Que cấy tránh thai là một biện pháp ngừa thai rất đáng tin cậy. Biện pháp này giúp ngừa thai với hiệu quả lên tới trên 99% và kéo dài từ 3 năm sau một lần cấy duy nhất. Que cấy tránh thai không có tác dụng phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) và HIV/AIDS.
4. Những ai có thể cấy que tránh thai?
Cấy que tránh thai phù hợp với nhiều nhóm đối tượng nên được nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản lựa chọn. Đối tượng sử dụng que cấy tránh thai rất rộng bao gồm:
- Những phụ nữ đang cho con bú.
- Phụ nữ trên 40 tuổi.
- Người bị u xơ tử cung.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nguyện vọng tránh thai bằng phương pháp cấy que tranh thai.
Do đó, với các bà mẹ đang cho con bú thì phương pháp cấy que tránh thai là sự lựa chọn phù hợp bởi tính an toàn và hiệu quả tránh thai lâu dài. Đặc biệt cấy que tránh thai khi đang cho con bú không làm ảnh hưởng đến sự tiết sữa và chất lượng sữa mẹ.
Nhưng để đảm bảo cho nguồn sữa mẹ, các bà mẹ tốt nhất nên đợi sau sinh khoảng 6 tuần hoặc hơn mới bắt đầu sử dụng que cấy tránh thai.
Phụ nữ đang cho con bú có thể dùng que cấy tránh thai. Que tránh thai được cấy trong khoảng 5 ngày đầu tiên của kỳ kinh.
Nếu chưa có kinh trở lại sau sinh có thể đến khám và khi được xác định không có thai thì sẽ tư vấn việc cấy que và có thể ra về ngay sau đó.
5. Ưu điểm của que cấy tránh thai:
- Cấy 1 lần có thời hạn tránh thai được 3 năm.
- Không sợ quên dùng thuốc như thuốc thánh thai hằng ngày.
- Không đau bụng.
- Không sợ viêm nhiễm.
6. Tác dụng phụ của que cấy tránh thai
Tác dụng phụ thường gặp nhất của que tránh thai là gây ra một số xáo trộn nhẹ về chu kỳ kinh nguyệt như:
- Ra máu thấm giọt giữa chu kỳ.
- Chu kỳ hành kinh thưa hơn và giảm dần lượng máu kinh.
- Có khoảng 30% phụ nữ sau cấy que gặp hiện tượng vô kinh.
- Các hiện tượng như giảm ham muốn tình dục, tăng cân bất thường, đau đầu, căng tức ngực rất hiếm gặp.
Nên đến khám tại bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn kỹ lưỡng trước khi cấy que tránh thai.
7. Chống chỉ định dùng que tránh thai cho ai?
- Que cấy có chứa nội tiết nên phụ nữ mắc các bệnh liên quan đến nội tiết không được sử dụng.
- Ngoài ra, những phụ nữ mắc các bệnh mãn tính như huyết áp cao, tim mạch cũng không được sử dụng.
- Trong trường hợp bị ung thư vú, có tiền sử chảy máu âm đạo bất thường hay rối loạn chức năng gan thì nên gặp để được bác sĩ tư vấn. Từ đó lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp nhất.
8. Que cấy tránh thai bắt đầu có tác dụng khi nào?
Nếu được cấy trong vòng 5 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt (ngày một là ngày bắt đầu hành kinh), que cấy tránh thai sẽ có tác dụng ngay lập tức.
Nếu que được cấy vào một thời điểm khác trong chu kỳ kinh nguyệt, tác dụng tránh thai sẽ không đảm bảo cho đến 7 ngày tiếp theo. Vì vậy, trong thời gian này phải dùng một biện pháp tránh thai khác để tránh mang thai ngoài ý muốn.
Trước khi cấy que tránh thai, nữ giới phải đi khám Sản khoa để đảm bảo chắc chắn bản thân không có thai.
9. Có thể có thai trở lại sau khi lấy que tránh thai ra không?
Que cấy thai là một dụng cụ dễ dàng tháo lắp. Nếu có ý định có con, hãy đến gặp bác sĩ để được tháo que tránh thai an toàn. Sau khi tháo que cấy tránh thai ra, hầu hết người dùng đều có lại kinh nguyệt bình thường và có khả năng mang thai trong vòng 1 tháng sau đó.
10. Quy trình cấy que tránh thai
- Trước khi cấy que: Bác sĩ sản khoa sẽ khám phụ khoa để chắc chắn sản phụ không có thai và thảo luận các vấn đề sức khỏe liên quan.
- Thực hiện thủ thuật: Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ thuốc gây tê dưới da ở phía trong cánh tay không thuận của bạn. Sau khi thuốc gây tê có tác dụng, bác sĩ sẽ cấy que tránh thai ở vùng dưới da cánh tay bằng dụng cụ hỗ trợ cấy vô trùng. Sau khi thực hiện cấy xong sẽ được quấn băng tại chỗ cấy trong 24 giờ. Việc cấy que tránh thai thường diễn ra trong vòng vài phút.
- Sau khi cấy: người bệnh sẽ được tư vấn về các biểu hiện bất thường sau khi cấy que và các trường hợp phải tới gặp bác sĩ.
11. Quy trình tháo que tránh thai
Trước hết, bác sĩ sẽ tiêm một mũi gây tê vào ngay bên dưới phần cuối của que cấy tránh thai. Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ ở trên da và phần cuối của que cấy sẽ được đẩy qua vết rạch nhỏ này. Sau đó vùng phẫu thuật sẽ được băng lại ngay sau đó. Thông thường, việc tháo que cấy tránh thai mất khoảng vài phút.
Với những ưu điểm trên, que cấy tránh thai là lựa chọn hằng đầu cho phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ. Kính mời quý khách hàng đến Bệnh viện Sản nhi Lào Cai để được thăm khám tư vấn và thực hiện cấy que tránh thai an toàn.
BS. Nguyễn Thị Bích Ngần – Khoa Khám bệnh