Dọa sảy thai thường gặp ở những tuần đầu của thai kỳ. Nguyên nhân có thể là sự bất thường về nhiễm sắc thể, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai hay do một số bệnh của mẹ. Đây là một vấn đề được nhiều bà mẹ quan tâm.
Dọa sảy thai là gì?
Dọa sảy thai hay còn gọi là động thai, là tình trạng thai nhi vẫn còn sống và vẫn phát triển bên trong buồng tử cung của người mẹ nhưng có các dấu hiệu đau bụng, ra máu. Đó chính điềm báo trước của hiện tượng sảy thai, vì vậy việc chăm sóc sản phụ dọa sảy thai cần được chú trọng để phòng tránh sảy thai thực sự.
Dấu hiệu của dọa sảy thai
- Đau bụng: là dấu hiệu đầu tiên của dọa sảy mà sản phụ có thể cảm nhận rõ nhất, cảm giác đau râm râm, đau thành từng cơn và kèm theo đó là đau mỏi vùng thắt lưng.
- Ra máu: một trong số biểu hiện rõ ràng nhất là ra máu hoặc dịch có màu hồng, màu sắc đậm nhạt tùy thuộc vào tình trạng nặng hay nhẹ của sản phụ. Nếu trong 3 tháng đầu của thai kỳ, sản phụ hay bị ra máu hoặc dịch hầu thì đó có thể là dấu hiệu của dọa sảy cần tới ngay bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để kiếm tra. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp dọa sảy thai không có dấu hiệu và chỉ phát hiện khi siêu âm do bong rau kín và chưa thoát ra ngoài nên không xuất hiện máu. Vì vậy, việc khám thai định kỳ là điều cần thiết.
- Cảm giác đau buốt khi đi tiểu: đó là biểu hiện của việc gặp vấn đề về bàng quang và đường tiết niệu, sản phụ cần đi khám và điều trị kịp thời vì viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu có nguy cơ dẫn đến dọa sảy thai.
Nguyên nhân dẫn đến dọa sảy thai
- Do sự bất thường về nhiễm sắc thể có thể thừa hoặc thiếu, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con khiến thai nhi khó có thể phát triển.
- Va chạm mạnh vào bụng bầu
- Mẹ bầu thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress kéo dài cũng dễ gây dọa sảy
- Do một số bệnh của người mẹ như sốt cao, bệnh thận mạn tính, suy tim, mất cân bằng nội tiết, các bệnh về tử cung như viêm nhiễm cổ tử cung, u tử cung, ung thư cổ tử cung, tử cung tăng co khác thường.
- Do sản phụ bị suy nhược, làm việc quá sức, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng,…
- Niêm mạc tử cung của mẹ quá mỏng do có tiền sử sử dụng nhiều thuốc tránh thai hoặc do nạo phá thai nhiều lần. Niêm mạc tử cung mỏng gây khó khăn cho việc giữ trứng đã được thụ tinh và tăng nguy cơ dọa sảy.
Chăm sóc bệnh nhân dọa sảy
Chế độ dinh dưỡng: sản phụ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem. Những thực phẩm sản phụ cần bổ sung trong giai đoạn này gồm:
· Các loại hoa quả tươi và rau xanh để đảm bảo lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất.
· Chất bột đường thường có trong cơm, bún, bánh mì, khoai lang, khoai tây…
· Protein từ thịt nạc, thịt gà, trứng và các loại đậu.
· Canxi từ sữa, bơ, cá mòi, đậu phụ… để hỗ trợ phát triển xương và răng cho bé.
Chế độ vận động, nghỉ ngơi:
· Một hoạt động mạnh hay tác động trực tiếp đến bụng có thể gây hại cho thai nhi nên mẹ hãy tránh lao động mạnh trong thời gian này. Lao động quá sức, chơi các môn thể thao mạnh là những điều cần tránh.
· Ngoài ra tránh xoa bóp bụng khi đau, không quan hệ vợ chồng
Trong quá trình điều trị tại bệnh viện
· Tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị là vấn đề cốt lõi của thành công. Để điều trị thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và người bệnh
· Dùng thuốc đúng theo y lệnh, báo cáo với bác sĩ những bất thường gặp phải để bác sĩ có điều chỉnh kịp thời
Phòng ngừa và chăm sóc tại nhà
· Yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến thai kỳ nên mẹ cần giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng. Hãy làm những việc mình yêu thích để cảm thấy phấn khởi và vui vẻ.
· Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho mẹ và bé
· Không uống rượu bia, hút thuốc lá hay dùng các chất kích thích khác.
· Luyện tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe.
· Phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ để theo dõi cũng như bảo vệ tốt nhất sức khỏe mẹ và bé.
Khi gặp bất kỳ một dấu hiệu nào bất thường trong quá trình mang thai thì sản phụ cần tới ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và điều trị kịp thời.
NHS Lương Thị Mỹ Hường – Khoa Phụ