Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 76
  • Hôm nay: 905
  • Trong tuần: 12 278
  • Tất cả: 1620202
Viêm vòi trứng

 

Viêm vòi trứng (hay còn gọi là viêm ống dẫn trứng) là căn bệnh phụ khoa tương đối phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là các chị em đang trong độ tuổi sinh nở. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời sẽ gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt khi có biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến vô sinh ở nữ giới. Do đó, nhận biết những biểu hiện của bệnh viêm vòi trứng có vai trò rất quan trọng giúp chị em có thể bảo vệ được thiên chức làm mẹ của mình.

Vòi trứng bình thường và vòi trứng bị viêm

1. Viêm ống dẫn trứng là gì?

Ống dẫn trứng có cấu tạo hình ống dài, một bên nối với buồng tử cung, một bên nối với buồng trứng (2 buồng trứng tương ứng với 2 ống dẫn trứng trái và phải). Vào thời điểm người phụ nữ rụng trứng, ống dẫn trứng sẽ đón bắt trứng (từ buồng trứng) và vận chuyển đến tử cung. Đây cũng là nơi thụ tinh của trứng.

Viêm ống dẫn trứng là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra ở ống dẫn trứng. Viêm ống dẫn trứng thường xảy ra do tình trạng nhiễm trùng ngược dòng, từ âm đạo, cổ tử cung hoặc tử cung. Các tác nhân gây nhiễm trùng phổ biến nhất là Chlamydia, lậu (cả hai tác nhân này đều là lây truyền qua đường tình dục). Một số vi khuẩn khác có thể gây viêm ống dẫn trứng là: Mycoplasma, Staphylococcus và Streptococcus. Ngoài ra, viêm phúc mạc do vi khuẩn hoặc do trực khuẩn lao cũng có thể là nguyên nhân gây viêm ống dẫn trứng.

2. Phân loại

Bệnh viêm vòi trứng được được chia thành 2 loại:

- Cấp tính: Các ống dẫn trứng trở nên đỏ, sưng và tiết ra thêm chất lỏng để các thành bên trong của ống thường dính lại với nhau. Các ống cũng có thể dính vào các cấu trúc gần đó như ruột. Tình trạng bệnh bùng phát đột ngột, mức độ bệnh còn nhẹ, 1 tuần là có thể chữa khỏi.

- Mạn tính: Là ống dẫn trứng bị viêm trong thời gian kéo dài gây ra mủ trắng, phá hoại các mô trong vòi trứng. Khi gặp phải tình trạng này tức là bệnh đã trở nên nghiêm trọng, có nguy cơ tắc nghẽn cả một hoặc hai ống dẫn trứng. Nếu không điều trị sớm sẽ làm giảm khả năng sinh sản, thậm chí là vô sinh ở người phụ nữ.

3. Nguyên nhân gây viêm vòi trứng là gì ?

Một số nguyên nhân có thể khiến người phụ nữ mắc phải bệnh viêm vòi trứng đó là:

- Do quan hệ tình dục không an toàn và lành mạnh: Các loại vi khuẩn, nấm có thể xâm nhập vào sâu bên trong khi bạn quan hệ tình dục, đặc biệt là nếu bạn quan hệ với những người đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu quan hệ tình dục bừa bãi mà không dùng bao cao su hoặc quan hệ trong những ngày hành kinh (khoảng thời gian vi khuẩn dễ phát triển ở vùng kín nhất) cũng khiến các tác nhân gây bệnh dễ dàng đi sâu vào trong và gây ra tổn thương, nhiễm trùng ở các cơ quan sinh sản như vòi trứng, tử cung,…

- Do các cơ quan lân cận bị viêm nhiễm: Thông thường do các cơ quan sinh dục khác như cổ tử cung, tử cung, âm đạo… rất dễ bị viêm nhiễm, nếu không được điều trị triệt để sẽ dẫn đến lây nhiễm ngược, ảnh hưởng đến vòi trứng, buồng trứng,…

- Do phá thai: Phá thai khiến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ yếu dần, đặc biệt là phá thai không an toàn ở những cơ sở y tế kém chất lượng hoặc phá thai nhiều lần có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy khiến sức khỏe suy yếu. Một trong số đó là tình trạng cơ quan sinh sản bị viêm nhiễm.

- Do vệ sinh cơ quan sinh dục không sạch: Trong thời kỳ hành kinh hay quan hệ tình dục xong mà không vệ sinh sạch sẽ  chính là bạn đang tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển và lan dần từ ngoài vao sâu các cơ quan bên trong.

- Do làm các thủ thuật ở bộ phận sinh dục: Các thủ thuật như đặt vòng tránh thai, phẫu thuật vùng tiểu khung… Trong quá trình tiến hành các tiểu phẫu như đặt vòng tránh thai, sinh nở, phẫu thuật vùng tiểu khung,… nếu các dụng cụ y tế không được khử trùng sạch sẽ thì rất dễ truyền các loại vi khuẩn gây hại vào cơ quan sinh dục và gây viêm nhiễm nhiều vị trí. Sau phẫu thuật, nếu vết thương ko được vệ sinh sạch sẽ cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn.

- Do từng có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến cơ quan sinh dục: Nếu bị các bệnh ở một số phần như tử cung, cổ tử cung, buồng trứng,… mà không điều trị triệt để, các mầm bệnh rất dễ lây lan sang các khu xung quanh và gây bệnh, trong đó có ống dẫn trứng.

4. Triệu chứng

Viêm ống dẫn trứng là bệnh nguy hiểm ở phụ nữ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây vô sinh ở nữ. Sau đây sẽ là những biểu hiện, triệu chứng của viêm vòi trứng dễ nhận biết nhất.

4.1. Triệu chứng viêm vòi trứng cấp tính

- Kỳ hành kinh không đều: Do vòi trứng bị viêm nhiễm làm cho hoạt động giữa vòi trứng và buồng trứng kém hiệu quả. Gây ra tình trạng chu kỳ kinh nguyệt thất thường.

- Thống kinh: Thống kinh hay còn gọi là đau bụng kinh. Viêm ống dẫn trứng gây ảnh hưởng đến xương chậu. Do vậy, trước thời điểm hành kinh 1 tuần, chị em sẽ thấy đau bụng và cơn đau nặng hơn khi kinh nguyệt xuất hiện.

- Khí hư ra nhiều và có màu ngả vàng, gây ngứa vùng âm đạo.

- Ngoài ra còn 1 số biểu hiện khác như: Buồn nôn, sốt, chóng mặt, tiểu rắt, mót tiểu,...

4.2. Dấu hiệu viêm ống dẫn trứng mãn tính

Những triệu chứng ở giai đoạn này thường diễn ra âm thầm, âm ỉ trong cơ thể người bệnh. Cũng không có biểu hiện rõ ràng. Cụ thể:

- Vòi trứng bị sưng đỏ, người bệnh có cảm giác bị đau vùng chậu, đau mỏi vùng lưng nhiều ngày.

- Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Thường xuyên bị chậm kinh, mất kinh, thống kinh,...

- Khó có con: Viêm ống dẫn trứng làm cho chức năng vận chuyển tinh trùng và trứng không hiệu quả. Nếu tắc vòi trứng có thể không thụ thai được, gây vô sinh ở nữ giới.

5. Biến chứng

 

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, viêm ống dẫn trứng có thể gây ra những biến chứng như sau:

- Viêm nhiễm lan rộng: Viêm nhiễm ống dẫn trứng lâu ngày có nguy cơ lan sang các cơ quan lân cận như buồng trứng hoặc tử cung.

- Áp xe phần phụ: Khoảng 15% phụ nữ bị viêm ống dẫn trứng phát triển thành áp xe phần phụ. Nếu không điều trị kịp thời và đúng mức sẽ dẫn đến viêm phúc mạc chậu, viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng huyết và thậm chí tử vong.

- Thai ngoài tử cung : Một ống dẫn trứng bị tắc do viêm nhiễm khiến trứng đã được thụ tinh không thể xâm nhập vào tử cung mà đến làm tổ ở một vị trí khác trong ổ bụng hoặc phôi bắt đầu phát triển ngay trong không gian hạn chế của ống dẫn trứng.

- Vô sinh: Hậu quả đáng tiếc nhất của bệnh viêm ống dẫn trứng là tắc nghẽn ống dẫn trứng hoặc ứ dịch làm mất chức năng của ống dẫn trứng ở cả 2 bên. Điều này khiến cho tinh trùng không thể đi qua vị trí tắc nghẽn để đến gặp trứng, dẫn đến việc thụ thai gặp khó khăn. Sau khi một đợt viêm ống dẫn trứng ở phụ nữ, nguy cơ vô sinh là khoảng 15%. Nguy cơ này tăng lên 50% nếu viêm ống dẫn trứng lặp lại ba lần.

6. Cách điều trị viêm vòi trứng như thế nào?

Viêm vòi trứng có thể chữa khỏi hoàn toàn khi được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị phù hợp. Để biết tình trạng bệnh và cách chữa của từng trường hợp như thế nào bản thân mỗi người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để có kết luận chính xác nhất.

Khi điều trị cần kết hợp với thực đơn ăn uống phù hợp, duy trì thói quen sống lành mạnh. Hạn chế quan hệ tình dục không an toàn, vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ và đúng cách.

7. Phòng ngừa viêm ống dẫn trứng

- Cách phòng tránh bệnh viêm ống dẫn trứng đơn giản nhất đó là vệ sinh sạch sẽ vùng kín, nhất là trong những ngày hành kinh.

- Nếu chưa sẵn sàng để có em bé hoặc đã sinh đủ con, bạn phải thực hiện tốt các phương pháp tránh thai an toàn, tránh việc mang thai ngoài ý muốn, dẫn đến nạo hút thai không đảm bảo, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản về sau.

- Xây dựng lối sống lành mạnh, tránh quan hệ tình dục bừa bãi, giữ vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục.

- Phụ nữ nên chủ động trong việc khám sức khỏe và khám phụ khoa định kỳ. Khi có biểu hiện của bệnh phụ khoa như đau bụng dưới, đau lưng, ra nhiều khí hư âm đạo, rối loạn kinh nguyệt, tiểu gắt, giao hợp đau,... cần mạnh dạn đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng nhất.

                                                   HS. Vũ Thị Thu Huyền – Khoa phụ 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !