Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 142
  • Trong tuần: 6 178
  • Tất cả: 1383790
Chăm sóc sau phẫu thuật cắt tử cung

 

Phẫu thuật cắt tử cung là một thủ thuật trong đó một phần hoặc toàn bộ tử cung sẽ được loại bỏ. Phương pháp này được áp dụng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như u xơ tử cung, ung thư tử cung, lạc nội mạc tử cung, sa tử cung… Chế độ chăm sóc sau mổ cắt tử cung đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe người bệnh, không chỉ giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục mà còn giúp phòng ngừa các biến chứng sau mổ.

1. Chăm sóc ngay sau mổ

- Trong 1-2 ngày đầu sau mổ, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc chống nôn và giảm đau để làm hạ bớt cơn đau ở khu vực cơ thể được giải phẫu.

- Thường trong vòng một ngày sau cuộc phẫu thuật, bệnh nhân nên tập ngồi dậy, vận động nhẹ nhàng bằng cách xoay người trên giường với sự hỗ trợ của người thân, nếu có thể nên đứng lên và đi bộ càng sớm càng tốt để giúp tránh bị viêm phổi, giảm bớt nguy cơ hình thành cục máu đông và giúp phục hồi nhanh hơn.

- Khi ho có thể gây ra đau, cơn đau này có thể giảm bớt bằng cách ôm một cái gối trên vết mổ ở vùng bụng hoặc đặt chéo chân sau khi phẫu thuật vùng âm đạo.

- Giữ cho vết mổ sạch sẽ, khô ráo.

2. Chế độ sinh hoạt

Nghỉ ngơi trong 2-3 tuần và tránh mang vác vật nặng. Nhìn chung, người bệnh có thể trở lại làm việc, tiếp tục lái xe và làm những công việc nhẹ nhàng sau một vài tuần. Tập thể dục với cường độ cao có thể bắt đầu sau khoảng 6 tuần.

Trong tháng đầu sau mổ, nếu có hiện tượng ra máu bất thường thì phải tái khám để bác sỹ tìm được nguyên nhân mà điều trị.

Sử dụng kem dưỡng ẩm để giảm ngứa xung quanh vết rạch nếu người bệnh đã phẫu thuật mở ổ bụng. Phẫu thuật cắt tử cung nội soi hoặc cắt tử cung qua âm đạo sẽ không để lại bất cứ vết sẹo nào. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ cảm thấy tê từ vết rạch đó xuống chân. Tình trạng này thường sẽ chấm dứt sau 2 tháng.

 

Nguồn hình ảnh Internnet

 

- Quan hệ tình dục có thể trở lại bình thường 4-6 tuần sau khi phẫu thuật. Bệnh nhân cắt bỏ 2 buồng trứng cùng với tử cung có thể có nguy cơ mất khả năng tình dục và gặp các vấn đề về tình dục như khô âm đạo. Có thể sử dụng chất gel hoặc chất bôi trơn để giảm bớt tình trạng này.

3. Chế độ dinh dưỡng

- Sau khi mổ, nên ăn các món loãng như cháo, súp. Đến khi nào có thể đi ngoài, đại tiện bình thường thì chuyển sang ăn các món đặc hơn.

- Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, củ quả tươi, các loại họ đậu, trái cây… vào thực đơn mỗi ngày. Chú ý uống nhiều nước để tránh táo bón.

- Bổ sung ngũ cốc giàu chất xơ là cách giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể, đồng thời chúng có tác dụng cân bằng nội tiết tố nữ.

- Bệnh nhân cần hạn chế các đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ, không sử dụng chất kích thích... Hạn chế ăn thịt đỏ trong 2 tuần đầu sau mổ. Thay vào đó, hãy bổ sung thịt gà, sản phẩm từ sữa với hàm lượng dinh dưỡng cao.

4. Một số lưu ý

Sau khi cắt bỏ tử cung, người bệnh sẽ không còn khả năng có thai, do đó nhiều người bệnh sẽ trải qua cảm giác lo lắng, buồn bã và sự miễn cưỡng tình dục sau mổ. Cần đề nghị được tư vấn tâm lý nếu gặp phải tình trạng lo lắng và căng thẳng sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Giữ cho tinh thần luôn thoải mái là điều quan trọng sau hỗ trợ điều trị. Vì thế nên chủ động tìm kiếm sự trợ giúp khi cảm thấy bất ổn về tinh thần.

Sự thay đổi đáng kể về nồng độ hormone có thể gây ra tình trạng tiền mãn kinh hoặc mãn kinh sớm với các cơn nóng bừng, khô âm đạo và chứng loãng xương. Hỏi ý kiến bác sĩ về liệu pháp hormon thay thế nếu lo lắng về các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh thường gặp sau khi cắt bỏ tử cung.

 

 

Nếu người bệnh bị cắt bỏ cổ tử cung thì không cần đến xét nghiệm PAP smears (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) hàng năm. Tuy nhiên, bất kỳ phụ nữ sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung nào cũng nên đi khám và làm xét nghiệm kiểm tra định kỳ về vùng khung chậu và ngực kèm theo chụp mammograms.

Những thông tin về các phương pháp chăm sóc phục hồi sau phẫu thuật cắt tử cung chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh nên tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ sau phẫu thuật và tái khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe.

NHS. Nguyễn Thị Vân – Khoa Phụ

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image