Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 76
  • Trong tuần: 6 112
  • Tất cả: 1383724
Tự khám vú tại nhà Biện pháp đơn giản, hiệu quả phát hiện sớm ung thư vú

 

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng người 600.000 người tử vong vì căn bệnh này. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2018, nước ta có 15.000 người mắc ung thư vú. (nguồn: Bệnh viện K)

Bệnh nhân ung thư vú khi phát hiện ở giai đoạn 1 và được điều trị tích cực có 80 – 90% cơ hội sống trên 5 năm. Vì vậy, việc tầm soát, sàng lọc ung thư vú có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm và nâng cao hiệu quả phòng ngừa, điều trị bệnh.

Tự khám vú tại nhà được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là một trong 3 bước tầm soát ung thư vú đơn giản, chi phí tiết kiệm, hiệu quả cao.

1. Khi nào tự khám vú tại nhà? 

Phụ nữ thực hiện tự khám vú tại nhà đúng cách sau khi sạch kinh từ 2 đến 5 ngày, khi đó, mật độ tuyến vú rất mềm và có thể phát hiện sớm các khối bất thường tại vú.

2. Tôi có thể thực thiện tự khám vú như thế nào?

Thông qua việc tự nhận thức những thay đổi bất thường xuất hiện ở vú, hãy thực hiện 5 bước tự khám vú đơn giản để bảo vệ sức khỏe của chính bạn. 

Bước 1: Nhìn

- Cởi áo, ngồi thẳng lưng hoặc đứng trước gương với tư thế xuôi hai tay, quan sát tuyến vú 2 bên.

 

 

Kiểm tra vú bằng cách quan sát vào ngực của mình trong gương với hai vai để suôn thẳng

* Bạn cần quan sát:

- Vú có kích thước, hình dạng và màu sắc như thông thường

- Vú có dáng vẻ đồng đều hai bên, không bị biến dạng hoặc sưng phù

- Nếu bạn thấy bất kỳ sự thay đổi nào sau đây, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

+ Lột da, da nhăn nhúm lại hoặc da phồng lên

+ Một bên núm vú đã có thay đổi vị trí hoặc núm vú bị rút lõm vào trong

+ Đỏ, đau, nổi mẩn hoặc sưng nề bất kì phần nào của vú

Bước 2

Hai cánh tay dang rộng, bàn tay để sau đầu. Tìm các dấu hiệu bất thường của vú như bước đầu tiên.

Bước 3: Khám vú

Nằm ngửa trên giường, tư thế thoải mái, đưa tay trái ra sau gáy, dùng tay phải khám ngực trái. Dùng 3 ngón tay xòe thẳng, vừa ấn nhẹ lên bầu vú, vừa xoay tròn tìm khối u hoặc mảng dày bất thường. Bắt đầu từ trong núm vú di chuyển theo hình xoắn ốc

 

 

 

Luôn nhớ trình tự khám này và áp dụng thống nhất mỗi lần thực hiện để chắc chắn rằng bạn đã sờ nắn toàn bộ nhu mô vú.  Bạn cũng có thể di chuyển ngón tay lên xuống theo chiều dọc hay theo hàng ngang.

Bước 4: Khám nách

Di chuyển dần lên vùng nách tới hõm nách tìm u cục, hạch bất thường.

Bước 5: Kiểm tra núm vú

Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ đầu núm vú xem có dịch bất thường chảy ra hay không.

 

(Ảnh nguồn: Bệnh viện ung bướu Nghệ An)

=> Khám tương tự với vú còn lại. 

3. Các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư vú

 

Triệu chứng, dấu hiệu của ung thư vú rất đa dạng, thường không có biểu hiện đau nên phải dựa theo những dấu hiệu bất thường điển hình khác để phát hiện.

 

 

(Nguồn: Bệnh viện K trung ương) 

- Có khối u: 80-90% bệnh nhân ung thư vú có khối u và có thể sờ nắn được bằng tay khi kích thước từ 1cm trở lên.

- Tiết dịch núm vú: Khoảng 5% bệnh nhân ung thư vú có tiết dịch núm vú, nhất là khi có lẫn máu hoặc dịch hồng.

- Núm vú bị thụt vào trong: Núm vú bị tụt sâu, cứng, dùng tay kéo cũng không được.

- Nhăn bề mặt vú: Đây là triệu chứng gặp ở một số ít bệnh nhân. Khi ngực xuất hiện khối u sẽ phá vỡ cấu trúc da và tạo nên những nếp nhăn ở bên ngoài bề mặt vú.

Để kiểm tra, chỉ cần đứng trước gương, giơ cánh tay lên (bởi những nếp nhăn này không xuất hiện khi đưa tay xuống). Nếu thấy xuất hiện những nếp nhăn ở bất kỳ vị trí nào trên bề mặt vú thì cần phải đến gặp bác sĩ ung bướu càng sớm càng tốt.

- Viêm da vùng quanh vú: Da đỏ, phù dưới dạng da cam. Ngoài ra có thể bong da vảy nến, da sần sùi kèm nổi mẩn ngứa ở ngực.

- Hạch ở nách: Nếu có một khối u hoặc vết sưng đau dưới cánh tay kéo dài trong một tuần không rõ nguyên nhân, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú.

Khi thấy những dấu hiệu trên bạn cần đến khám ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

4. Phải làm gì nếu bạn tìm thấy vú có u cục?

Khối u ở vú cần loại trừ nguyên nhân ung thư, ngoài ra còn có các nguyên nhân gây ra khối u trong vú như: sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai, vào chu kỳ kinh, các bệnh lý u vú lành tính hoặc chấn thương.

Vì vậy, cần có sự thăm khám chuyên môn cũng như thực hiện các xét nghiệm cần thiết mới có thể chẩn đoán tính chất khối u tại vú. Vậy nên, điều tốt nhất nên làm là đến khám bác sĩ chuyên khoa khi bạn đã nhận thấy một khối u cũng như các thay đổi trên vú như vú chảy mủ, da vú co rút lại.

BS. Nguyễn Thị Bích Ngần – Khoa Khám bệnh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image