Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình khỏe mạnh thì xã hội mới khỏe mạnh. Nhưng môi trường hiện đại luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, công thêm các yếu tố di truyền. Vì vậy, việc được tư vấn khám, xét nghiệm tiền hôn nhân, khảo sát tổng quát về sức khỏe sinh sản của cả nam giới, nữ giới là vô cùng quan trọng và cần thiết để xây dựng gia đình hạnh phúc trọn vẹn. Khám và xét nghiệm sức khỏe tiền hôn nhân chứng tỏ mối quan hệ nghiêm túc, văn minh cho các cặp đôi chuẩn bị lập gia đình.
Các xét nghiệm cần thực hiện khi khám sức khỏe tiền hôn nhân:
1. Xét nghiệm công thức máu, nhóm máu:
- Thông qua các chỉ số đánh giá về các dòng tế bào máu, chấn đoán bệnh thiếu máu, giảm tiểu cầu... Đánh giá sớm nguy cơ mang gen bệnh thiếu máu huyết tán (Thalassemia), để chuẩn bị cho mẹ một thai kỳ khỏe mạnh.
- Xét nghiệm định nhóm máu hệ ABO, đặc biệt là hệ RH đánh giá sự tương thích của nhóm máu của hai vợ chồng. Trường hợp vợ nhóm máu RH (-), chồng RH (+) phải có sự theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình mang thai, vì nguy cơ cao cơ thể mẹ sinh kháng thể chống lại tế bào máu của con gây tan máu, lưu thai, sảy thai sớm.
2. Xét nghiệm sinh hóa máu, nước tiểu:
Xét nghiệm giúp phát hiện sớm các bệnh mãn tính như mỡ máu, tiểu đường, men gan cao... để cơ thể có sự chuẩn bị, điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp cho việc mang thai.
3. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục:
Đặc biệt các bệnh HIV, viêm gan B, viêm gan C... có thể truyền từ mẹ sang con, qua đường tình dục. Việc làm xét nghiệm phát hiện sớm có thể ngăn chặn việc lây nhiễm chéo giữa vợ và chồng. Nếu không may bị nhiễm, bác sĩ sẽ tư vấn để có kế hoạch chăm sóc bảo vệ cho các cặp đôi, giữ gìn hạnh phúc gia đình, tránh nguy cơ lây bệnh cho thai nhi và trẻ sơ sinh.
4. Xét nghiệm nội tiết tố:
- Ở phụ nữ: Vào ngày thứ 2 chu kỳ kinh làm xét nghiệm định lượng nội tiết Estrsdiol, FSH, LH, Prolactin, Progesterol, Testosterol, đặc biệt là xét nghiệm AMH (Đánh giả khả năng dự trữ của buồng trứng).
- Ở nam giới: Xét nghiệm định lượng nội tiết FSH, LH, Testosterol, Estrsdiol.
5. Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung:
Sau khi được thăm khám, nếu cần thiết bác sĩ sẽ lấy tế bào tại vùng cổ tử cung để đánh giá về mặt tế bào học, đặc biệt với những phụ nữ có tổn thương tại cổ tử cung.
6. Xét nghiệm dịch âm đạo, Chlamydia test nhanh với nữ giới:
- Xét nghiệm dịch âm đạo để phát hiện viêm nhiễm tại chỗ.
- Test Chlamydia: chẩn đoán sớm bệnh Chlamydia, một trong những căn nguyên gây vô sinh hiếm muộn.
7. Xét nghiệm tinh dịch đồ với nam giới:
Đánh chất lượng tinh dịch, đặc biệt là số lượng, khả năng di động của tinh trùng, hình dạng tinh trùng… chẩn đoán vô sinh ở nam giới. Để làm được xét nghiệm này, nam giới phải kiêng quan hệ từ 3-5 ngày trước thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.
8. Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ:
Thực hiện nhiễm sắc thể đồ giúp tiên lượng được tỷ lệ mắc các bệnh di truyền như sứt môi, down, hemophylia (máu khó đông...) để các cặp đôi chuẩn bị tâm lý trước khi kết hôn, mang thai, giúp các bác sỹ có thể can thiệp đúng thời điểm.
Theo lời khuyên của bác sỹ, các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Đặc biệt đối với những người dự định sinh con ngay, để đảm bảo sức khỏe cho con sau này. Việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ cũng được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai hiện nay đã khám và xét nghiệm tiền hôn nhân, giúp cho các cặp đôi có sự chuẩn bị cả về tâm lý, sức khỏe để xây dựng hạnh phúc gia đình, sinh ra những em bé khỏe mạnh.
CN Bùi Cao Cường – Khoa xét nghiệm