Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 129
  • Trong tuần: 6 165
  • Tất cả: 1383777
CẢM CÚM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Cảm cúm là bệnh thường gặp, nhất là trong thời điểm giao mùa và ở những người có sức đề kháng kém như  trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi. Cảm cúm khá lành tính và có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Bài viết dưới đây nhằm giúp mọi người tìm hiểu về cảm cúm, cách chữa cảm cúm nhanh chóng, hiệu quả và những lưu ý khi sử dụng thuốc.

1. Bệnh cảm cúm và đối tượng thường mắc

Bệnh cảm cúm gây ra do virus cúm, là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính hay gặp. Bệnh nhân nhiễm cảm cúm thường có nhiều biểu hiện đặc trưng như: cơ thể mệt mỏi, sốt, hắt hơi, nhức đầu, đau mỏi toàn thân. Triệu chứng ho, chảy nước mũi, tức ngực, khản tiếng, ít tiểu,... diễn ra chậm hơn ở giai đoạn sau của bệnh.

Nguồn hình ảnh Internet

 

Cảm cúm hay gặp ở những người có hệ miễn dịch kém như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính. Ngoài ra, những người không giữ ấm cơ thể tốt, dinh dưỡng kém, ít vận động, thiếu ngủ,... cũng có nguy cơ nhiễm cúm cao. Có thể nói, hệ miễn dịch đóng vai trò lớn với nguy cơ mắc bệnh.

Người bệnh mắc cảm cúm quanh năm, nhưng nhiều nhất vào những ngày có thời tiết chuyển mùa, mưa lạnh, ẩm ướt kéo dài.Nếu không giữ ấm cơ thể, đặc biệt là hệ hô hấp, cũng như tăng cường sức đề kháng tự nhiên thì bất cứ ai cũng đều có thể mắc bệnh cảm cúm.

 

 

2. Các loại thuốc chữa cảm cúm

Cảm cúm là bệnh thường gặp và không gây nhiều biến chứng nguy hiểm, hầu hết bệnh nhân cảm cúm đều tự chữa tại nhà, theo chỉ định của bác sĩ. Nếu để tự nhiên, cảm cúm thường tự khỏi sau khoảng 5 - 7 ngày, khi hệ miễn dịch cơ thể chiến thắng bệnh.Trường hợp sốt cao hoặc có các biến chứng khác thì cần khám tại cơ sở y tế.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị cảm cúm, chỉ có một số loại thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng, giúp người bệnh bớt khó chịu và nhanh khỏi bệnh hơn. Dưới đây là một số nhóm thuốc điều trị triệu chứng cảm cúm thường dùng:

2.1. Nhóm thuốc giảm sốt, đau họng, nhức đầu

Thuốc phổ biến nhất trong trường hợp này là Paracetamol (hay còn gọi là Acetaminophen).

Thuốc này khá an toàn, giúp hạ sốt, giảm đau hiệu quả ở mức độ vừa và nhẹ, không cần kê đơn, chỉ cần hướng dẫn liều dùng. Liều dùng Paracetamol dựa theo cân nặng, viên thuốc được chia liều uống cho mỗi đối tượng trẻ em và người trưởng thành. Cần sử dụng Paracetamol đúng liều và có khoảng cách giữa các lần hợp lý.Thông thường, cần dùng thuốc cách nhau ít nhất 4 - 6 giờ. 

Dùng Paracetamol điều trị quá liều không làm tăng hiệu quả mà gây tác dụng phụ, đặc biệt là tổn thương gan. Cụ thể:

·         Liều dùng cho người lớn

Liều uống hoặc đặt trực tràng thường dùng là 0,5-1 g/lần, cách nhau 4 - 6 giờ, tối đa là 4g/ngày.

·         Liều lượng Paracetamol cho trẻ em

Đường uống: Dùng 10 - 15 mg/kg/1 lần, cách 4 - 6 giờ/lần. Không nên dùng Paracetamol quá năm lần và không quá 75 mg/kg trong vòng 24 giờ.

Liều uống thông thường cho trẻ em dưới 12 tuổi:

Cân nặng (kg)

Tuổi

Liều dùng 1 lần

2,7 - 5,3 (kg)

0 - 3 tháng

40 mg

5,4 - 8,1 (kg)

4 - 11 tháng

80 mg

8,2 - 10,8 (kg)

1 - 2 tuổi

120 mg

10,9 - 16,3 (kg)

2 - 3 tuổi

160 mg

16,4 - 21,7 (kg)

4 - 5 tuổi

240 mg

21,8 - 27,2 (kg)

6 - 8 tuổi

320 mg

27,3 - 32,6 (kg)

9 - 10 tuổi

400 mg

32,7 - 43,2 (kg)

11 tuổi

480 mg

 

Đường đặt hậu môn:

          Liều dùng trong khoảng 10-20 mg/kg/liều, 4-6 giờ/ lần; không quá 5 lần và 75 mg/kg trong vòng 24 giờ.

2.2. Nhóm thuốc giảm triệu chứng ngạt mũi

Nhóm thuốc điều trị triệu chứng này là các loại thuốc co mạch, dùng dưới dạng thuốc nhỏ mũi như xylometazolin, naphazolin,oxymetazolin... Khi sử dụng, thuốc làm co động mạch nhỏ, tĩnh mạch hang và mao mạch, đẩy máu đi nơi khác, làm thông thoáng hốc mũi. Bệnh nhân dễ thở hơn, giảm tình trạng nghẹt mũi kéo dài.

Nguồn hình ảnh Internet

Những loại thuốc này được khuyến khích dùng trong 3 - 5 ngày khi bị cảm cúm, sử dụng kéo dài có thể gây tác dụng phụ như: đau đầu, viêm mũi, phù nề, khả năng ngửi kém,...

Thuốc giảm triệu chứng ngạt mũi có nhiều loại với nồng độ khác nhau, cần lưu ý lựa chọn đúng với độ tuổi người bệnh.

2.3. Nhóm thuốc giảm ho

Người bệnh cảm cúm nếu ho ít, ho nhẹ thì thông thường sẽ không cần thiết phải dùng thuốc giảm ho. Bởi ho là phản ứng của cơ thể, loại bỏ dị vật đường thở ra ngoài.Chỉ khi mức độ ho nhiều, ho thường xuyên, gây đau rát cổ họng, khó chịu, mệt mỏi thì thuốc giảm ho sẽ được chỉ định.

Thuốc chứa thành phần Codein, Dextromethorphan,… điều có hiệu quả tốt với các trường hợp ho khan.

Các thuốcRhumenol, Atussin…chứa đồng thời dextromethorphan và hoạt chất kháng histamin như fexofenadine, chlorpheniraminen, loratadin…giúp điều trị ho khan kèm theo triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi. Cần lưu ý các thuốc kháng histamin thường khiến người bệnh buồn ngủ, mất tập trung nên sau khi dùng thuốc, không lái xe hoặc vận hành máy móc.

Nếu người bệnh ho có đờm thì nên sử dụng các thuốc chứa Ambroxol, Bromhexin, Acetylcystein... có tác dụng long đờm, tiêu đờm, giúp cho người bệnh ho dễ dàng và bớt khó chịu hơn.

Ngoài ra, việc nhỏ mũi, súc họng bằng nước muối sinh lí hàng ngày, uống nước chanh nóng- mật ong hoặc gừng cũng giúp làm ấm cơ thể, dịu họng và giảm ho hiệu quả.

3. Lưu ý khi chữa cảm cúm

Nhiều người vẫn có quan niệm sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cảm cúm. Nhưng quan điểm này hoàn toàn sai lầm, bởi kháng sinh chỉ giúp tiêu diệt vi khuẩn chứ không có hiệu quả trong điều trị các bệnh do virus gây ra, trong đó có cảm cúm. Vì thế, không sử dụng kháng sinh bừa bãi, cần dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Chữa cảm cúm nói chung khá đơn giản, hầu hết mọi người đều khỏi bệnh sau một vài ngày, có thể không cần dùng thuốc. Nhưng một vài trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng như: sốt cao kéo dài, dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả, ho nhiều, khó thở, tức ngực, đau nhức, mệt mỏi kéo dài hơn 1 tuần cần sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị. 

Có thể tiêm vắc xin cúm hàng năm với các đối tượng hệ miễn dịch yếu để ngăn ngừa bệnh. Ngoài ra, cần chú ý ăn uống, nghỉ ngơi lành mạnh, tập thể dục tăng cường sức khỏe, giữ ấm cơ thể để phòng ngừa bệnh.

Tài liệu tham khảo: https://medlatec.vn/tin-tuc/goc-tu-van-nhung-loai-thuoc-chua-cam-cum-pho-bien-nhat-hien-nay-s195-n17821

Dược sỹ Hoàng Ngọc Long - Khoa Dược- VTYT

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image